CÁC HỌA SĨ TẠO ẢO GIÁC TRÊN TRANH NHƯ THẾ NÀO?

Từ khóa tìm kiếm: Những bí ẩn của nhân loại – Minh Anh

Bức Ấn tượng mặt trời mọc của Claude Monet

Trong kiệt tác Ấn tượng Mặt trời mọc của Claude Monet, mặt trời dường như hút hết sinh lực của thiên nhiên để toả sáng rực rỡ. Nhưng thực ra, độ sáng của nó không hề lớn hơn những điểm xám trên nền trời xung quanh. Thì ra, Claude Monet đã khai thác một đặc điểm thị giác của mắt người để tạo nên ảo giác đó.

Nhà thần kinh học Margaret Livingstone, Đại học Y khoa Harvard (Mỹ), đã công bố công trình nghiên cứu này tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội khoa học tiến bộ Mỹ, đang diễn ra tại Denver.

Livingstone đã sử dụng những kiệt tác hội hoạ để minh chứng cho sự khác biệt giữa nhận thức về màu sắc và độ sáng của não người. Trong một chuyến thăm tới Pais gần đây, bà có dịp kiểm tra bức tranh Ấn tượng Mặt trời mọc vẽ bến cảng Le Harve của Monet. Tâm điểm của bức tranh là hình ảnh mặt trời, xuất hiện như một quả cầu lửa nhô lên trên nền trời mây mù xanh xám, phản chiếu ánh sáng xuống mặt nước, nơi những con tàu đánh cá đang buông neo. Tuy nhiên, trái với cảm nhận thông thường của chúng ta, Livingstone cho biết mặt trời trên bức tranh không hề sáng hơn so với nền trời xanh xám ở quanh đó.

Bà nói: “Lý do là hệ thống thị giác của chúng ta bị phân đôi rõ rệt: Một bên cảm nhận về màu sắc và bên kia là về độ sáng (cường độ phản xạ ánh sáng). Giữa chúng không hề có mối ràng buộc với nhau. Khi đánh giá màu sắc bức tranh, não ta đã vô tình coi mặt trời như là một loại cấp sáng và vì thế ta tưởng rằng mặt trời chói loá hơn hẳn cảnh vật xung quanh”.

Việc đánh giá sẽ công bằng hơn, nếu tất cả đều ở dạng đen trắng, khi đó mọi vật thể có độ sáng như nhau đều xám cùng một cấp. Livingstone đã chứng minh điều này bằng cách chụp lại ảnh đen trắng của bức Ấn tượng Mặt trời mọc. Với bức ảnh đó, bằng mắt thường mặt trời biến mất, nói đúng hơn là hoà vào màu xám của nền trời, do nó có độ sáng bằng với độ sáng của nền trời xung quanh.

“Các hoạ sĩ thiên tài như Monet hiểu rõ hệ thống thị giác của con người phân đôi như thế nào và đã khai thác nó một cách tinh tế để tạo ra ảo giác về màu sắc và không gian”. Livingstone giải thích. Hai phần thị giác đó đôi khi còn được gọi là hệ thống “Where” (ở đâu) và “What” (cái gì). Hệ thống “Where” tồn tại ở động vật có vú, cho phép chúng ta có thể thấy được sự vật trong không gian 3 chiều, và nhận ra những vật thể di động, nhưng không thấy màu sắc. Ngược lại, hệ thống “What” chỉ tồn tại ở loài động vật bậc cao, trong đó có con người, cho phép ta nhìn thấy màu sắc, phân biệt được các khuôn mặt cũng như đánh giá mặt biểu hiện hoặc thái độ.