Nghề gia sư toán kiếm sống thoải mái ở thủ đô
Với năng lực chuyên môn vững, cộng với kinh nghiệm, hiện tại tôi có nhiều lớp học ở Hà Nội, từ lớp 6 đến 12. Thường ngày tôi dạy khoảng 3 ca, có hôm cao điểm (như ngày chủ nhật) là 5 ca. Dù tôi không lấy học phí cao (thường miễn phí hoặc lấy học phí tượng trưng đối với học sinh nghèo), giá thấp nhất là 400.000 đồng/ca, cao nhất là 1.500.000 đồng/ca (ca có nhiều học sinh) nên thu nhập ổn.
Cộng thêm thu nhập của vợ, gia đình tôi có cuộc sống tốt, mua được hai căn hộ, ở một căn và cho thuê một căn, có ôtô thi thoảng đi du lịch. Tiền thu được từ căn hộ cho thuê cộng với việc tham gia vào 2 gói bảo hiểm coi như là tiền lương hưu. Việc vào nhà nước để có công việc ổn định và có lương hưu sau này như lúc trước tôi nghĩ giờ tôi hoàn toàn thực hiện được bằng công việc gia sư.
Nhiều người bạn dạy trong nhà nước còn tiếc là giá như đi theo con đường của tôi thì tốt biết mấy. Có người nói nghề chọn người, nếu đúng vậy thì thật hạnh phúc cho tôi vì nghề gia sư Toán đã chọn tôi. Tình yêu của tôi với nghề vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu làm gia sư hơn 20 năm trước.
Tuy nhiên, thú thật nhiều khi tôi vẫn có chút chạnh lòng. Tôi và nhiều bạn gia sư khác vẫn mong vào nhà nước hay một trường tư thục, vì chúng tôi muốn cống hiến nhiều hơn. Nếu dạy gia sư thì lượng học sinh chúng tôi truyền đạt ít hơn nhiều so với lượng học sinh ở nhà trường. Nhưng việc xin vào nhà nước thật sự khó khăn.
Rất may hiện nay nhiều trường tư thục sẵn sàng tuyển dụng những giáo viên thực sự giỏi với chế độ đãi ngộ ưu đãi (có trường tư thục trả lương tháng giáo viên 30-40 triệu đồng). Nếu các trường nhà nước không muốn chậm chân trong việc tuyển chọn người thì như nhiều người đã nói ngành giáo dục phải bỏ biên chế, sẵn sàng tuyển chọn những người có năng lực không học sư phạm nhưng lại muốn làm giáo viên (đối với những người này sau khi kiểm tra chuyên môn, cần cho họ học một khóa nghiệp vụ sư phạm).
Với lượng gia sư đông đảo hiện nay (nếu làm được một gia sư lâu dài thì người đó thực sự có nhiều phẩm chất tốt), cộng với lượng người giỏi không qua sư phạm nhưng lại muốn làm giáo viên thì nguồn tuyển dụng cho ngành giáo dục rất dồi dào chứ không đến mức bi quan như nhiều người nghĩ. Cơ bản là ngành giáo dục có chấp nhận một số thay đổi để tuyển họ không.