Tại sao cần ưu tiên cho giao thông công cộng?
Trước tiên, chúng ta tìm hiểu về cụm từ “ưu tiên cho giao thông công cộng”. Ý nghĩa của cụm từ này rất rộng, nó bao gồm ưu tiên trên các mặt tài chính, xây dựng và quản lý giao thông.
Lợi ích của giao thông công cộng chủ yếu là phục vụ cho việc đi lại thuận lợi của người dân, từ đó nâng cao hiệu suất công tác của toàn xã hội, cải thiện đời sống; chứ không phải để thu lợi cho bản thân ngành giao thông công cộng. Ngoài ra cần đẩy mạnh xây dựng các loại hình giao thông có sử dụng đường ray (như tàu điện, xe điện), xây dựng các loại đường chuyên dụng dùng cho giao thông công cộng. Ví dụ, xây dựng các tuyến đường trên cao cho các loại xe điện đời mới và xe buýt. Đồng thời đẩy mạnh phát triển hình thức giao thông ngầm dưới lòng đất; hạn chế chịu ảnh hưởng từ các loại hình giao thông khác. Ngoài ra, mục đích việc ưu tiên cho giao thông công cộng của các thành phố còn thể hiện trên nhiều phương diện khác. Ví dụ mở các tuyến đường dành riêng cho các phương tiện giao thông công cộng mới, quy hoạch và điều chỉnh một cách hợp lý các tuyến và vị trí các bến xe, giành quyền ưu tiên cho những phương tiện giao thông công cộng… Nhưng tại sao phải ưu tiên cho giao thông công cộng?
Hầu hết các thành phố lớn của nước ta đều xảy ra hiện tượng tắc đường, nhất là vào giờ cao điểm. Nguyên nhân chính là do cơ sở hạ tầng giao thông không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân các thành phố. Vì vậy, người ta đã chế tạo ra các phương tiện giao thông vừa chiếm ít không gian lại vừa chở được nhiều người. Đó chính là phương tiện giao thông công cộng.
Ở một số quốc gia và khu vực không có ngành công nghiệp ôtô như Singapo, Hồng Kông, trên cơ sở phát triển giao thông công cộng, người ta đã giải quyết được vấn đề giao thông trong các thành phố lớn. Thậm chí ở một số quốc gia có ngành công nghiệp ôtô là trụ cột thì giao thông công cộng vẫn chiếm tỉ trọng tuyệt đối. Ví dụ: Ở New York là 86%, Luân Đôn là 80%; Tôkyô là 70,6%, Paris là 56%. Muốn giải quyết hiện tượng khó khăn trong giao thông, chính sách giao thông vẫn là yếu tố quyết định hàng đầu, việc xây dựng các công trình giao thông chỉ chiếm vị trí thứ hai. Ví dụ, tại Thượng Hải, Trung Quốc, theo điều tra sơ bộ cho thấy, các đường giao thông trên cao đã được xây dựng đúng theo quy hoạch, các con đường nằm trong quy hoạch cũng đã được mở rộng đủ điều kiện đáp ứng khi xe con phát triển tới số lượng là 1500000 chiếc. Tuy nhiên lượng vận chuyển khách của số xe ôtô con này cũng chỉ đáp ứng được 15 – 20% nhu cầu của đi lại của người dân. Hơn nữa, đối với phần lớn những người có thu nhập thấp, thì giao thông công cộng vẫn là hình thức giao thông thuận tiến nhất của họ.
Vì thế, việc ưu tiên cho giao thông công cộng vẫn là chủ trương cần sớm được thực hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.