Tại sao bạn không nghe được tiếng Anh? 3 lý do và cách khắc phục

Ghi chú: Tài liệu trích dẫn

Khi học một ngoại ngữ bất kỳ, kỹ năng nghe (LISTENING) luôn được xem là kỹ năng khó nhất và đáng sợ nhất. Học sinh sợ sự mơ hồ, tính thiếu chính xác đi kèm với việc nghe – nói (anh ấy vừa nói accept hay except?), trái ngược với tính chắc chắn của phần đọc – viết (nhìn được cụ thể từng chữ trên giấy). Chuyện này không chỉ xảy ra với riêng tiếng Anh. Tôi vẫn nhớ thời đi học tiếng Tây Ban Nha và tiếng Nhật, trước giờ thi môn Nghe thì ngay cả những bạn giỏi nhất cũng mất tự tin ít nhiều.

Như bài trước đã chứng minh, nghe và nói là những kỹ năng tầm thấp, cần được phát triển trước tiên. Trong bài này tôi sẽ đề cập đến lý do cụ thể dẫn đến sự yếu kém của học sinh, kèm với phương án giải quyết.

Trách nhiệm trước hết thuộc về giáo viên. Như đã nói, nhiều giáo viên chỉ am hiểu hệ WRITTEN và họ áp dụng mù quáng hệ quy tắc WRITTEN vào SPOKEN, cho nên người học không được trang bị bất cứ kiến thức nào hữu ích về LISTENING.

Việc dạy nghe một cách đúng đắn quá phức tạp vì giáo viên thiếu tài nguyên tham khảo. Những giáo trình phổ biến ở Việt Nam chỉ dạy học sinh nghe người khác ĐỌC BẰNG MỒM các nội dung soạn theo hệ WRITTEN, không phải giáo trình dạy SPOKEN một cách thực thụ. Do chưa có cách giải quyết, người dạy tự an ủi bản thân rằng học sinh sẽ dần dần TỰ ĐẠT ĐƯỢC kỹ năng nghe nếu cứ…nghe mãi. Niềm tin này phổ biến đến mức mọi học sinh tôi từng gặp đều tự mặc định đó là sự thật 100% và không bao giờ thắc mắc. Việc “cứ nghe mãi” cũng vô ích như việc gập bụng thật nhiều để giảm eo: chỉ tổ đau cột sống mà chẳng ích gì.

Từ phía học sinh, kỹ năng nghe khó đạt được do hạn chế của mô hình lớp học. Trên lớp, học sinh chỉ được tiếp xúc với một chất giọng (accent) duy nhất là giọng của giáo viên. Đã vậy, giáo viên thường nói theo phong cách “nói cho người điếc nghe”, tức là nói chậm rãi, tròn vành rõ chữ từng từ một (giống như cách bạn nói tiếng Việt cho một anh tây) để đảm bảo mọi học sinh trong lớp đều hiểu.

Do chỉ được nghe chủ yếu một loại tiếng Anh trong suốt quá trình học, học sinh bị choáng khi tiếp xúc với môi trường nghe thực tế (phim ảnh, radio, hội thoại trực tiếp), nơi mỗi người có accent và tốc độ nói khác nhau. Nó giống như việc bạn đã quen đọc chữ in rồi đột nhiên bị bắt đọc cả cuốn tiểu thuyết viết bằng chữ viết tay xa lạ; thấy khó hiểu và bực mình là những phản ứng tất yếu.