Tại sao bạn không nghe được tiếng Anh? 3 lý do và cách khắc phục

Về mặt tư duy (của cả giáo viên lẫn học sinh), có một điểm nghẽn trong phương pháp tiếp cận LISTENING. Ở hệ WRITTEN, bạn có thể tự tin rằng mình hiểu 100% những gì tác giả viết (vì text lù lù ra đấy). Bạn đạt được sự diễn giải hoàn hảo về thông điệp của người kia (100% interpretation) vì bạn nhìn thấy 100% những gì được viết ra. Nhưng thực tế không phải như vậy. Ở trên lớp, tôi thường chứng minh điều này bằng bài test rất đơn giản như sau:

. Chiếu một câu (trích trên báo) dài khoảng 20 từ lên màn hình

. Cho học sinh đọc hết, tắt màn hình và yêu cầu mọi người viết lại chính xác 20 từ vừa được nhìn kỹ

Đến đây có lẽ bạn cũng đoán ra kết quả. Phần lớn học sinh chỉ viết lại được chính xác 3 từ mà thôi, tức là chỉ 1/7 những gì nhìn thấy, nhưng tất cả đều có thể nhắc lại nội dung (message) của câu trên dưới dạng những từ khác (different wording). Chỉ 3 từ là đủ để tái tạo lại message của người viết, bởi vì bộ não sẽ dùng những thông tin sẵn có (ví dụ như hiểu biết của bạn về người viết, về đề tài…) để lấp đầy chỗ trống.

Việc nhắc lại 100% những gì nhìn thấy trên text cụ thể còn khó, vậy bạn không nên kỳ vọng làm được điều này trong môi trường nghe (chịu thêm ảnh hưởng nặng nề về tốc độ nói, chất giọng, ngữ cảnh…). Mục tiêu nghe không phải 100% interpretation mà phải là REASONABLE INTERPRETATION, tức là hiểu được thông điệp chính của người nói. Giải quyết được áp lực tâm lý này, học nghe ngoại ngữ sẽ dễ chịu hơn rất nhiều. Bạn không cần nghe rõ cả câu. Việc nghe được hết 100% những từ được nói thậm chí còn LÀM CẢN TRỞ khả năng LISTENING. Đây là lý do nhiều bạn phàn nàn rằng mình NGHE ĐƯỢC RÕ TỪNG CHỮ MỘT nhưng nghe xong câu lại chẳng hiểu người ta nói gì (!?).

Vậy chuyện gì thực sự xảy ra trong một cuộc hội thoại bình thường?

Trong hệ SPOKEN, người nói sẽ đóng gói (compress) một lượng lớn thông tin vào trong câu (utterance). Người nghe nhận gói thông tin (package) này và giải mã nó dựa trên cách hiểu riêng của mình về từng từ, kèm theo hiểu biết của chính mình về ngữ cảnh (context). Kết quả giải mã có thể không đúng 100% và đây là chuyện bình thường (vì thế chúng ta mới hay cãi nhau). Quá trình này có thể được mô tả bằng sơ đồ dưới đây (Ảnh).