Chọn trường theo chương trình học: chương trình Mỹ hay Anh
Ghi chú: Tài liệu trích dẫn
Một trong những cách nhanh nhất để lựa chọn trường học là theo chương trình học. Thông thường chương trình học sẽ phản ánh nội dung và phong cách học tập của một trường. Sau đây tôi xin review các lựa chọn trường học theo chương trình học ở TP.HCM để bạn tham khảo. Vietlearn sưu tầm bài viết từ tác giả “Harry Bùi Khánh Nguyên – Anh Cá Heo – Diễn giả độc lập về giáo dục” để quý phụ huynh có góc nhìn tốt nhất.
Phần 1 phân loại các trường theo chương trình học và phần 2 phân loại các trường theo sự quản lý nhà nước.
Chương trình phổ thông Mỹ học 12 năm, từ lớp 1 đến lớp 12, chia các cấp lớp thành 1-5; 6-8; 9-12. Học sinh tốt nghiệp nhận bằng American High School Diploma (bằng tốt nghiệp trung học Mỹ, tạm gọi là Tú tài Mỹ).
Đặc điểm của giáo dục Mỹ là trường nào dạy, trường đó cấp bằng, hiệu trưởng ký. Học sinh muốn lấy bằng tốt nghiệp American High School Diploma thì phải học đủ tín chỉ các lớp 9-12, tích lũy đủ tín chỉ yêu cầu thì được cấp bằng, không cần thi tốt nghiệp phổ thông. Các môn học chính là English Language Arts, Maths, Science, Social Studies, Art, PE, Spanish.
Các trường trong danh sách dưới đây được xếp theo thứ tự bảng chữ cái tên viết tắt của trường:
- Trường American Academy (Quận 2): Trường này (lớp 6-12), nếu xếp cùng với trường Saigon Pearl (mầm non – lớp 5) cùng hệ thống với nó thì sẽ là trường hoàn chỉnh K-12 (mầm non kéo dài tới lớp 12). Trường trung thành với chương trình giáo dục Mỹ, học sinh có thể học chương trình AP và tín chỉ nâng cao của đại học Syracuse. Học sinh tốt nghiệp với bằng Tú tài Mỹ do trường trực tiếp cấp, được kiểm định bởi Hội đồng các trường quốc tế và tổ chức kiểm định NEASC của Mỹ. Học phí cao nhất (lớp 12) là 566 triệu/năm.
- Trường AIS (Nhà Bè): Trường trước đây dạy chương trình Mỹ, nhưng đã chuyển hướng dạy IB hoàn toàn. Bằng Tú tài Mỹ do trường trực tiếp cấp, được kiểm định bởi CIS và WASC. Học phí cao nhất 724 triệu/năm.
- Trường APU (Quận 11): Trường dạy chương trình Mỹ và tín chỉ nâng cao của một số trường đại học liên kết. Trường cấp bằng trung học, chưa được kiểm định chất lượng của tổ chức kiểm định vùng của Mỹ. Học phí cao nhất 431 triệu/năm.
- Trường Eschool (Quận 2): Trường dạy chương trình của tổ chức Acellus Academy, mới có tới lớp 7. Học phí cao nhất 325 triệu/năm.
- Trường FOSCO (Quận 3): Trường dạy chương trình Mỹ đến hết tiểu học, chưa có hệ trung học. Học phí cao nhất (lớp 5) là 276 triệu/năm.
- Trường Ivy Global School (học online): Trường dạy online từ Mỹ cho học sinh Việt Nam, học sinh được cấp bằng Tú tài Mỹ, được kiểm định bởi tổ chức Cognia (Mỹ). Học phí 25 – 30 triệu/năm.
- Trường Pennsylvania American International School (Quận 10): Trường là một phần của hệ thống trường Tây Úc, dạy chương trình bang Pennsylvania, học sinh được cấp bằng Tú tài Mỹ của trường nước ngoài là Greenville High School, bang Pennsylvania (Mỹ) được kiểm định bởi tổ chức MSCHE (Mỹ). Học phí cao nhất 365 triệu/năm.
- Trường Bắc Mỹ (Bình Chánh): Trường dạy chương trình Mỹ và chương trình IB. Học sinh được cấp bằng Tú tài Mỹ, được kiểm định bởi tổ chức WASC (Mỹ). Học phí cao nhất 655 triệu/năm. Trường có phân hiệu tại Đồng Nai, cấp bằng của trường đối tác là Marianapolis (Mỹ).
- Trường SSIS (Phú Mỹ Hưng, Quận 7): Trường dạy chương trình Mỹ và IB Diploma, có lựa chọn học AP. Bằng Tú tài Mỹ do trường trực tiếp cấp, được kiểm định bởi tổ chức WASC (Mỹ). Học phí cao nhất 673 triệu/năm.
- Trường TAS (Quận 2): Trường dạy chương trình Mỹ, chương trình AP, học sinh tốt nghiệp được cấp bằng Tú tài Mỹ do trường trực tiếp cấp, được kiểm định bởi tổ chức WASC (Mỹ). Học phí cao nhất 656 triệu/năm.”
“Vì chương trình Cambridge được mô phỏng theo chương trình quốc gia Anh, nên tôi xếp chương trình Anh và Cambridge vào cùng nhóm. Đặc điểm của chương trình Anh là học 13 năm, bắt đầu từ 5 tuổi và kết thúc lúc 18 tuổi. Cách chia cấp lớp phổ thông là 1-6 (tiểu học); 7-9 (trung học cơ sở); 10-11 (trung học phổ thông); 12-13 (dự bị đại học). Chương trình Cambridge linh hoạt hơn, có thể áp dụng cho chương trình 12 năm nhưng cuối cùng vẫn kết thúc bằng học (I) GCSE và A level 4 năm cuối.
Chương trình Anh không tích hợp các môn như chương trình Mỹ, nên số lượng các môn học khá nhiều, giống chương trình Việt Nam. Ví dụ, thay vì học môn Khoa học xã hội, sẽ chia nhỏ thành Lịch sử, Địa lý. Chương trình Anh có tính hàn lâm cao, nội dung rất chi tiết.
Học sinh học hết lớp 9 (tương đương lớp 8 Việt Nam) thì bước vào học chương trình GCSE (hệ Anh) hoặc IGCSE (hệ Cambridge) trong 2 năm (lớp 10-11). Bản chất (I)GCSE là các môn học rời rạc, ngoài các môn core (bắt buộc) như Toán, Tiếng Anh, Khoa học ra thì học sinh có thể chọn thêm bao nhiêu môn khác tùy trường, lựa chọn môn học rất phong phú, có tới khoảng 50 môn học để lựa chọn, mỗi môn học được cấp chứng chỉ riêng.