Chọn trường theo chương trình học: chương trình Mỹ hay Anh
Chương trình IB ban đầu trên thế giới chỉ gồm IB Diploma cho hai năm cuối trung học (lớp 11 – 12). Mục đích ban đầu là chương trình được tạo ra để giúp học sinh toàn thế giới, dù trước đó học chương trình của quốc gia nào, cũng có thể tham gia học trong hai năm và lấy được một tấm bằng Tú tài quốc tế chung. Một số học sinh trường công Việt Nam giành học bổng của hệ thống trường trường United World Colleges (UWC) và ra nước ngoài học 2 năm chương trình IB, hoàn toàn có thể theo nổi và học tốt.
IB vào Việt Nam khi phong trào học trường quốc tế ngày càng mạnh mẽ. Bên cạnh các lựa chọn chương trình quốc gia của Anh, Mỹ, Canada, Úc… thì phụ huynh cũng thích chọn một chương trình quốc tế trung lập không nghiêng về bất cứ nước nào. Tuy đặt trụ sở tại Thụy Sỹ, nhưng tổ chức IB đặt sứ mệnh đào tạo ra các công dân toàn cầu trung lập cho thế giới, chứ không đào tạo công dân cho bất cứ nước nào.
Chương trình IB ban đầu chỉ có lớp 11-12 (IB Diploma) sau đó được bổ sung các cấp lớp dưới cho mầm non – tiểu học (PYP) và trung học cơ sở từ lớp 6 tới lớp 10 (MYP). Một trường có thể chọn dạy một trong ba phần của IB chứ không bắt buộc phải dạy cả ba phần, đã được gọi là IB World School. Tuy nhiên, nếu dạy đủ ba phần thì gọi là IB Continuum School (trường IB toàn phần). Gần đây IB còn có một phần thứ tư nữa là IB định hướng nghề nghiệp hay IB Career-related Program (CP).
Các trường sau đây dạy chương trình IB ở TP. HCM, được xếp theo thứ tự bảng chữ cái tên viết tắt của trường:
- AIS (Nhà Bè): Trường quốc tế Mỹ, đạt kiểm định của CIS và WASC hiện đăng ký dạy cả ba phần IB, học phí IB Diploma là 724 triệu/năm.
- AIS (Quận 2): Trường quốc tế Úc, dạy PYP cho tiểu học, trung học cơ sở dạy chương trình Cambrige, cuối cùng là IB Diploma. Trường đạt kiểm định của CIS. Học phí IB Diploma 699 triệu/năm.
- BIS (Quận 2): Trường quốc tế Anh, đạt kiểm định của CIS, dạy IB Diploma, học phí IB Diploma 767 triệu/năm.
- CIS (Quận 7): Trường quốc tế Canada, là thành viên nhưng chưa đạt kiểm định của CIS – Hội đồng các trường quốc tế, dạy IB Diploma, học phí IB Diploma là 688 triệu/năm.
- EISHCMC (Quận 2): Trường quốc tế châu Âu, đạt kiểm định của CIS, dạy IB toàn phần, học phí IB Diploma là 632 triệu/năm.
- IGS (Quận 2): Trường quốc tế Đức, chưa tham gia kiểm định, dạy IB Diploma với mức học phí 442 triệu/năm.
- ISHCMC (Quận 2): Trường quốc tế TP. HCM, đạt kiểm định của CIS và NEASC, dạy IB toàn phần, học phí IB Diploma là 821 triệu/năm.
- RISS (Quận 7): Trường quốc tế Khai Sáng, đạt kiểm định của CIS, dạy IB Diploma, học phí IB Diploma là 689 triệu/năm.
- SNA (Quận 7): Trường quốc tế Bắc Mỹ, đạt kiểm định của WASC, tham gia nhưng chưa đạt kiểm định của CIS, dạy IB Diploma và đang hướng tới dạy IB toàn phần, học phí học IB Diploma là 655 triệu/năm.
- SSIS (Quận 7): Trường quốc tế Nam Sài Gòn, đạt kiểm định của WASC, dạy IB Diploma, học phí IB Diploma là 673 triệu/năm.
- Tesla (Quận Tân Bình): Trường đang là ứng viên dạy chương trình IB Diploma, chưa tham gia kiểm định quốc tế, học phí IB Diploma là 428 triệu/năm.
- VFIS (Quận 7): Trường quốc tế Việt Nam – Phần Lan, chưa tham gia kiểm định quốc tế, dạy IB Diploma, học phí 639 triệu/năm.
- WASS (Quận 3): Trường quốc tế Tây Úc, chưa tham gia kiểm định quốc tế, dạy IB Diploma, học phí 399 triệu/năm.
Như tôi đã chia sẻ trong các phần trước, trong văn bản chính thức của cơ quan quản lý giáo dục Việt Nam, không có khái niệm “trường quốc tế” hay “trường song ngữ”. Các thuật ngữ này do trường tự gọi, do cha mẹ quen gọi, hoặc do dịch từ tiếng Anh (international school hoặc bilingual school).
Với các nhà quản lý giáo dục, chỉ có 2 nhóm trường: thứ nhất là trường công lập, thứ hai là trường tư thục. Trong số các trường này, có một nhóm được gọi là “các trường có yếu tố nước ngoài” là gần giống nhất với các “trường quốc tế”, do thương nhân nước ngoài thành lập, hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, cụ thể là Nghị định 73 và sau này là Nghị định 86 thay thế cho Nghị định 73.