GIẢI MÃ BÍ ẨN TAM GIÁC QUỶ BERMUDA
Từ khóa tìm kiếm: Những bí ẩn của nhân loại – Minh Anh
Tam giác quỷ Bermuda từng được đề cập đến như một vùng chết chóc, gây ra biết bao thảm họa cho tàu thuyền và máy bay qua lại. Gần đây, các nhà khoa học lại đưa thêm một giả thuyết mới để giải thích tính chất kỳ bí của khu vực này.
Bermuda là vùng ven biển Bắc Mỹ ở khu vực nằm giữa mũi Gatterac, bán đảo Florida và quần đảo Cuba. Xét về địa lý và khí hậu, đây là một vùng gần giống như tấm gương phản chiếu rộng lớn. Các cơn bão xuất phát từ Đại Tây Dương tạo nên luồng sóng hạ âm cực mạnh, bị phản hồi từ khu vực phản xạ này và hội tụ vào khu vực Tam giác quỷ. Kích thước rộng lớn của các cấu trúc hội tụ cho phép đưa ra giả thuyết tại đó có những khu vực phản xạ mà sóng hạ âm có thể đạt tới cường độ rất lớn và là nguyên nhân gây nên các hiện tượng quái dị. Hình vẽ dưới đây mô tả trình tự các biến cố xảy ra tại nơi này.
Như chúng ta đã biết, sóng hạ âm có cường độ lớn gây nên cảm giác sợ hãi và muốn bứt phá ra khỏi không gian khép kín. Dĩ nhiên, hành vi đó là hậu quả của phản ứng trực cảm đã hình thành từ rất lâu trong quá khứ tiến hóa của con người, mỗi khi bị tác động của sóng hạ âm hình thành trước lúc nổ ra các vụ động đất. Chính phản xạ này đã khiến cho các kíp máy bay và hành khách bị hốt hoảng và vội vã nhảy ra khỏi máy bay hoặc con tàu.
Tam giác quỷ Bermuda ngoài khơi Mexico
Dòng xoáy hạ âm của cơn bão hội tụ vào khu vực Tam giác quỷ. Khi cộng hưởng với nhịp sinh học của con người, sóng hạ âm có cường độ cao có thể gây chết người ngay tức khắc. Sóng hạ âm có thể là nguyên nhân dao động cộng hưởng của cột buồm trên thuyền và làm cho chúng gãy vụn. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra khi sóng hạ âm cộng hưởng với độ rung của các yếu tố cấu thành của máy bay. Sóng hạ âm cũng có thể là nguyên nhân hình thành một lớp sương mù dày đặc có màu đục như sữa trên đại dương và nhanh chóng biến mất. Độ ẩm của khí quyển tích tụ lại trong giai đoạn giãn nở có thể không kịp tan rã trong không khí ở giai đoạn nén tiếp theo, nhưng có thể biến mất ngay tức khắc khi không có sóng hạ âm. Cuối cùng, sóng hạ âm có tần số 5-7 Hz có thể cộng hưởng với dao động cơ học, với con lắc đồng hồ có cùng tần số dao động và gây nên tác động phá hủy. Điểm xuất phát của huyền thoại về trận gió hú rùng rợn, gây cảm giác sợ hãi do sóng hạ âm mạnh gây ra có thể là các hiện tượng tương tự xảy ra ở Tam giác quỷ. Các cấu trúc có tính chất hội tụ tương tự cũng có thể có ở các khu vực khác nhau trên hành tinh.
Sóng hạ âm có thể truyền dưới nước, còn cấu trúc hội tụ có thể hình thành ở thềm lục địa. Nguồn gốc của các sóng hạ âm cũng có thể là các núi lửa hoạt động ngầm dưới biển và động đất. Dĩ nhiên, hình dạng của các tấm gương phản chiếu sóng hạ âm ở thềm lục địa không hoàn chỉnh. Với kích thước tương đương bước sóng, cấu trúc thềm lục địa cũng có thể có tính chất cộng hưởng. Cần phải nghiên cứu mối liên hệ giữa tham số của các nguồn phát ra sóng hạ âm và sự phân bố cường độ sóng hạ âm trong mỗi khu vực bị nghi là có hiện tượng dị thường. Quy luật hình thành các khu vực nguy hiểm quyết định mức độ của các biện pháp phòng ngừa.
Ảnh hưởng của sóng hạ âm tới con người không chỉ trực tiếp đối với cơ thể, mà còn tới hệ thống thần kinh. Trong quá trình tiến hóa của con người, chắc chắn đã hình thành một trung tâm xúc cảm với sóng hạ âm nhằm báo động trước động đất và núi lửa. Tập hợp các phản ứng cần phải có khi xảy ra tác động bên ngoài vào trung tâm này để có thể xác định được, khi biết chức năng của các phản ứng đó là để đảm bảo cho con người sống sót an toàn mỗi khi bị các tai nạn tương tự. Vậy đó là phản ứng gì? Có thể nêu tên các phản ứng sau: Né tránh không gian khép kín để không bị rơi vào tình trạng chết hàng loạt, xu hướng chạy ra tránh xa các đối tượng có thể bị đổ vỡ. Nói tóm lại, con người có xu hướng chạy đi bất cứ đâu để tránh khu vực có thảm họa hay nguy hiểm. Dĩ nhiên, tất cả những hành động đó đều kéo theo cảm xúc sợ hãi.
Có thể quan sát được các phản ứng tương tự ở nhiều động vật, như chó biết cứu các em nhỏ trước khi xảy ra động đất. Đồng thời, khi bị tác động trực tiếp vào cơ thể, sẽ xuất hiện các phản ứng không cụ thể như suy kiệt, mệt mỏi và rối loạn giống như khi bị tác động bởi tia X quang và sóng vô tuyến tần số cao. Ngày nay, con người không còn nhạy cảm với sóng hạ âm, nhưng khi bị tác động của sóng hạ âm cường độ lớn, hệ thống bảo vệ từ xa có thể bị kích động và lấn át khả năng hành động tỉnh táo. Nếu sự sợ hãi không phải do các biểu tượng bên ngoài gây ra thì có thể xuất phát từ bên trong. Con người sẽ cảm thấy một xúc cảm sợ hãi một cách vô thức. Điều này được chứng minh qua những lời nói cuối cùng của các phi công và thủy thủ khi bị chết trong vùng Tam giác quỷ, như: “Bầu trời thật khác lạ”, “Mặt biển thật khác lạ, một điều khủng khiếp đang xảy ra”… Nếu sự sợ hãi do các biểu tượng bên ngoài gây nên thì những người dũng cảm đã quen với nỗi sợ hãi có thể kịp phát những thông báo cụ thể. Phụ thuộc vào cường độ của sóng hạ âm, những người ở trên tàu có thể cảm thấy sợ hãi ở các mức độ khác nhau. Họ có thể ngồi vào xuồng và bơi khỏi tàu hoặc chạy lên boong. Với cường độ sóng hạ âm cực lớn, họ có thể bị chết như đã từng được mô tả.
- Liệu có thể hóa giải được huyền thoại về Tam giác quỷ Bermuda?
Mới đây, nhà địa chất người Anh Alan Judd đã phát hiện một xác tàu đắm ở Witch’s Hole, ngoài khơi Scotland, với những dấu hiệu của một “cái chết” bí ẩn. Việc nghiên cứu của ông có thể sẽ làm sáng tỏ những điều kỳ lạ về toạ độ chết Bermuda. “Này, này… lạ thật, có phải… đúng, đúng là một chiếc tàu! Nhưng quỷ thật, tại sao nó lại lặn ở đây?” nghiêng mình về phía chiếc máy dò bằng sóng âm, Alan Judd cảm thấy bối rối. Đây không phải lần đầu tiên nhà địa chất người Anh, chuyên thăm dò những mỏ dầu dưới đáy biển cho công ty Total, phát hiện một xác tàu chìm. Nhưng lần này, vị trí chiếc tàu mà ông vừa nhìn thấy trên màn hình lại nằm chính giữa một cái hố rộng đường kính khoảng 100 m, vốn rất quen thuộc với các nhà nghiên cứu khí đốt tự nhiên.
Witch’s Hole hình thành sau khi một túi khí ngầm dưới biển thoát ra đột ngột. Mỏ khí mêtan này nằm ngoài khơi, cách bờ biển Scotland 150 km. Nhưng tại sao chiếc tàu lại chìm nằm ngay giữa lỗ hổng ấy. Liệu nó có liên quan gì đến vụ thoát khí đột ngột nào đó không?
- Từ một giả thuyết
Hiện tượng Witch’s Hole thường xảy ra khi người ta khoan dầu nhưng chẳng may gặp phải túi khí. Từ bấy lâu nay, nó là nỗi lo sợ của các công ty khai thác dầu, vì đã có hơn 40 tàu thăm dò bị lật nhào do khí thoát đột ngột. Về mặt lý thuyết, có lẽ nhiều chiếc tàu đã bị nhấn chìm giữa đại dương do khí mêtan thoát ra theo cách đó. Từ năm 1982, nhà địa chất Mỹ Richard D. Maiver, một chuyên gia về dầu khí đã đề xuất giả thuyết này để giải thích những vụ mất tích bí ẩn ở vùng Tam giác quỷ Bermuda, ngoài khơi Mexico. Thế nhưng, từ đó đến nay chưa có ai tìm được chứng cứ xác thực.
Quả trứng luộc “hy sinh” năng lượng quay để đứng thẳng
Theo Maiver, có lẽ “thảm kịch xảy ra như sau: Trong lúc khí mêtan bất ngờ thoát ra khỏi túi khí ngầm gây nên một đợt sóng dữ dội trên mặt biển, một chiếc tàu xui xẻo nào đó đi vào giữa vùng biển hỗn độn này. Những đợt sóng ấy chẳng có gì nguy hiểm lắm. Nhưng khi khí mêtan thoát hết, dưới đáy biển hình thành một lỗ hổng khổng lồ. Nước sẽ dồn lại để lấp đầy chỗ trống đó, kéo theo cả con tàu. Thế là nó chìm như là một tảng đá bị ném xuống nước mà không để lại bất kỳ dấu vết nào.
Judd suy nghĩ nhiều về giả thuyết này. Dù sao kịch bản của Maiver cũng không vô lý. Ông đã thử nghiệm về kiểu đắm tàu này bằng mô hình thu nhỏ trong phòng thí nghiệm và được giáo sư Bruce C. Denardo, thuộc trường hải quân Caliornia, xác nhận. Trong một chậu thủy tinh chứa 4 lít nước, ông làm đắm một chiếc tàu tí hon nhờ một thiết bị giống như hệ thống thổi khí ôxy trong các bể nuôi cá. Thí nghiệm này chỉ là bước đầu để chứng minh giả thuyết của Maiver. Nhưng đại dương là một thế giới mở và phức tạp hơn chậu nước rất nhiều.
- Dấu vết chưa xác định
Chiếc tàu đắm mới được tìm thấy là cơ hội thuận lợi để Judd chứng minh nó thực sự là nạn nhân của một vụ thoát khí và như vậy giả thuyết của Maiver sẽ tìm được chỗ đứng. Năm 2000, trên chiếc Skandi Inspector rất hiện đại mượn của công ty nghiên cứu hải dương ở Aberdeen (hải cảng lớn thuộc đông bắc Scotland), Judd và cộng sự đã định vị và tiếp cận được với xác chiếc tàu đắm.
Thoạt nhìn, vị trí của nó củng cố thêm những nghi ngờ của ông: Con tàu cắm thẳng trên nền Witch’s Hole, như thể bị một đợt bọt khí khổng lồ chộp lấy rồi kéo xuống. Hơn nữa, những hình ảnh do tàu ngầm ghi lại cho thấy nó ít bị hư hại, mạn và cầu tàu vẫn còn nguyên vẹn. Trong trường hợp va vào đá ngầm, thân tàu thường bị vỡ toác khiến nước tràn vào làm tàu chìm.
Mặt khác, đoạn phim do tàu ngầm quay ở bên trong Witch’s Hole cho thấy đáy biển rất mấp mô, còn những chỗ khác lại bằng phẳng. Judd nhận định sự khác biệt này là dấu hiệu cho thấy, đã xảy ra một vụ trượt đất làm cho túi khí vỡ tung. Hơn nữa, đầu năm nay, Judd còn phát hiện thêm hai miệng núi lửa có kích cỡ tương tự như Witch’s Hole, cách địa điểm ông khảo sát khoảng 100 km về phía bắc. Những tín hiệu của máy định vị bằng sóng âm cho biết có những vật lớn nằm ở giữa. Judd chưa xác định được đó là vật gì, nhưng ông phỏng đoán rất có thể đó cũng là những con tàu đắm.