Học một ngoại ngữ mới

Ghi chú: Tài liệu trích dẫn

Tôi học hai ngoại ngữ. Tiếng Anh – tôi đã kiếm sống bằng nó, và với tiếng Nhật – đủ để tôi tồn tại và xoay sở với cuộc sống hằng ngày ở Nhật. Tôi đang chuẩn bị lên kế hoạch cho ngôn ngữ thứ ba – tiếng Đức, như một sở thích. Và đây là những suy nghĩ của tôi với việc học ngoại ngữ.

Tôi còn nhớ những buổi tối chật vật đến tham dự lớp tiếng Anh ban đêm hồi tôi mới vào cấp hai. Tôi học nó vì ba mẹ và mọi người xung quanh bảo nếu bạn giỏi tiếng Anh lớn lên bạn sẽ giàu. Và nếu bạn không biết tiếng Anh thế giới sẽ cho bạn ra rìa. Việc tôi ghét nhất khi còn nhỏ là lau nhà, xếp thứ hai là học tiếng Anh. Nhớ lại cảm giác chán chường mỗi ngày phải vào lớp chép từ vựng, làm ngữ pháp, thực hành một vài câu giao tiếp với thầy tôi. Tôi học hôm nay thì tháng sau tôi chả buồn nhớ mình đã học được gì rồi.

Nhìn lại thật sự thú vị, chỉ trong một thập niên thôi mà cách chúng ta có thể học ngoại ngữ lại khác nhiều đến vậy. 10 năm trước đây, khi khái niệm về Youtube và Facebook còn chưa mấy quen thuộc, khi thông tin trên những kênh này phần lớn mang tính chất giải trí, Internet chưa chạm được mức phổ biến và thông tin thì không trù phú như ngày hôm nay, chúng ta không có nhiều lựa chọn ngoài hình thái lớp học. Việc bạn chạm vào kiến thức sẽ giới hạn bằng một con đường đi qua cánh cửa phòng học. Bạn không có ai chia sẻ kinh nghiệm học ngoại trừ người thầy trên bục giảng, bạn không có nguồn tài liệu để tự thân vận động ngoài trừ những bài trong sách giáo trình. Và nếu muốn thực hành với người bản xứ, bạn sẽ chi kha khá để tham gia vào một khóa học sang trọng nào đó …

Sáng hôm nay, tôi vào quán cà phê, tìm một góc ưng ý và như thường lệ nghiên cứu về đề tài mà tôi quan tâm. Tôi gõ vào thanh tìm kiếm trên Youtube: Friedrich Nietzsche, sau đó lập tức một loạt vô số các bài thảo luận bằng tiếng Anh hiện ra, tôi không gặp khó khăn trong việc tìm thấy một Video ưa thích và xem. Nếu có vài từ mang nặng tính học thuật mà tôi chưa biết qua, tôi dễ dàng tra cứu với hàng loạt từ điển onilne phổ thông và cả từ điển chuyên ngành, thú vị hơn nữa là tôi tìm thấy vô số diễn đàn thảo luận về từ khóa ấy. Tôi đã liên tục làm điều này trong nhiều năm, chỉ khác nhau về mức độ. Bây giờ tôi 26 tuổi và tôi đã không tham gia bất kỳ lớp học tiếng Anh nào từ khi 15 tuổi. Và hiện tại tôi vẫn kiếm sống bằng tiếng Anh.

Tôi cũng đã bắt đầu một hành trình tương tự khi tôi bắt đầu học tiếng Nhật. Ở mức độ khởi đầu, từ số 0 đối với ngôn ngữ này, tôi vẫn tìm thấy đầy đủ những hướng dẫn và kiến thức trên internet, thậm chí là tôi có rất nhiều thầy, những người trả lời những câu hỏi tôi cần từ các diễn đàn. Dù tôi vẫn tham gia hình thức khóa học truyền thống trong một thời gian ngắn, nhưng sự tiến bộ lại trông cậy hết vào internet.

Bây giờ, khi kiến thức không còn được chạm đến chỉ bằng con đường qua cánh cửa phòng học, thì bạn có thể chọn cách khác. Chỉ với một xíu tính tò mò, với kha nhá sự nhẫn nại và kiên trì, bạn có thể chọn từ bỏ các lớp học để tìm thấy thú vui thực sự trong việc học ngoại ngữ. Khi bạn dùng dùng internet một cách thông thái, bạn sẽ có thể tự thiết kế cho mình một khóa học miễn phí. Sẽ có vài người đem học thuật vào và phản biên ý tưởng của tôi, nhưng nói thật thì một cuộc tranh luận về đề tài này với tôi sẽ không cần thiết. Chúng ta chỉ là có nhiều lựa chọn hơn mà thôi.

Tôi biết sẽ thật nản lòng khi chúng ta phải học ngoại ngữ để phục vụ một mục tiêu nào đó trước mắt như đi du học, công việc. Nhưng chừng nào bạn tập trung quá nhiều vào những mục tiêu như kết quả Ielts mấy chấm tháng tới, hay liệu khi nào tôi mới giao tiếp với đối tác được đây thì chừng ấy bạn còn nản lòng với thứ ngôn ngữ bạn đang cố gắng nhai vào. Điều tôi muốn nói là hãy đặt tầm mắt của bạn ra khỏi mục tiêu và hãy bắt đầu học cách tìm thấy niềm vui của quá trình. Hãy tạo cho mình những thói quen nhỏ và thú vị mỗi ngày như là xem và dịch một video về đề tài bạn thích vào giữa ngày, hay đọc một đoạn văn đơn giản và ghi chú lại từ vừng mới gặp được trước khi ngủ, và thích thú tra cứu chúng vào bữa điểm tâm sáng hôm sau trước khi đi làm. Bạn sẽ nhận ra bạn sẽ đi nhanh hơn và xa hơn chỉ bằng tạm rời mắt khỏi đích mà bắt đầu quan sát những kỳ quan tuyệt vời dọc đường đi.

Tôi thực sự nghĩ chúng ta nên bắt đầu học ngoại ngữ, cụ thể là tự học một ngoại ngữ. Nhất là khi chúng ta đang già đi mỗi ngày, thì việc bắt đầu tìm thấy niềm vui từ những thành tựu nhỏ như là tự nghiêm cứu được thêm 5 từ vựng hôm nay hay bập bẹ vài câu nói về cảm nhận của bạn về một món ăn với người bản xứ sẽ giúp chúng ta cảm nhận được chúng ta đang lớn hơn dù ở bất kì độ tuổi nào chứ không già đi. Khi tôi bắt đầu từ học những ngoại ngữ với niềm yêu thích, tôi nhận ra trong quá trình tìm tòi mà học thì bạn sẽ tự nhiên đặt trí tò mò vào vùng đất, con người và văn hóa nơi khởi nguồn của ngôn ngữ đó. Và khiến tôi cảm thấy có ý nghĩa hơn mỗi ngày và gắn kết với thế giới nhiều hơn.

Chúng ta đang sống trong một thời buổi Bận Rôn, nhưng không phải ai cũng đạt được hiệu quả với chính sự bận rộn ấy. Tôi quan sát đồng nghiệp của mình khi đi làm. Có những lúc họ bận rộn thực sự, nhưng có những lúc họ trôi dạt trên bảng tin của Facebook một cách vô định hay tản mạn vào một video nào đó với vài chú hề ở trong đó và dồn việc vào cuối ngày, sau đó than vãn rằng họ không có thời gian. Một số khác trong chúng ta lại khủng hoảng với những ưu tiên trong cuộc sống của mình, chúng ta biết mình đang muốn làm một điều gì đó mà chúng ta thích nhưng chúng không đủ can đảm cắt giảm thời gian cho một công việc và thói quen hằng ngày.

Tôi nghĩ học ngoại ngữ sẽ là một liều thuốc để giảm căng thẳng và sống ý nghĩa hơn mỗi ngày. Nhưng bạn chỉ có thể thêm nó vào hoạt động hằng ngày khi bạn dừng đổ lỗi cho sự bận rộn. Và rất có thể, bạn sẽ nhận ra việc chi tiền cho những khóa học đắt đỏ chỉ như một giải pháp tâm lí để bạn đổ trách nhiệm tiến bộ của chính mình cho trung tâm này hoặc ông thầy kia.

Nguồn: Facebook Sam Vo