Kỷ niệm một thời gia sư sinh viên của 1 bạn Ngoại Thương

Ghi chú: Tài liệu trích dẫn

Trong quãng thời gian là sinh viên của trường ĐH Ngoại Thương TPHCM, tôi đã dành khá nhiều thời gian cho các hoạt động đoàn đội và cả việc đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm, tạo sự năng động cho bản thân. Kỷ niệm ấn tượng và khó phai trong tôi là một thời gia sư sinh viên kèm cặp một cô bé lớp 3 tên Thùy.

Do đặc thù công việc, bố mẹ Thùy bận rộn tối ngày nên em sống chủ yếu cùng bà nội. Bà cũng thương cháu thiếu thốn tình cảm cha mẹ nên cũng chiều chuộng và vô tình đã làm “hư” cháu mình. Bà nội Thùy chia sẻ: “gần như từ năm lớp 1 đến khi lớp 3 tôi nhận dạy kèm em, buổi học nào bà đi đón Thùy đều phải nghe những phản ảnh về việc lười học bài, chép bài từ giáo viên chủ nhiệm. Và hầu như ngày nào em cũng phải ở lại lớp để hoàn thiện nốt bài vở trên lớp cô giao.

Trước tình trạng học tập của Thùy, phụ huynh em đã thuê gia sư dạy kèm ngay từ năm học lớp 1. Nhưng thực sự nhiều gia sư đã bất lực vì sự quá lười biếng của Thùy. Các gia sư dạy kèm thực sự đã không đủ kiên trì để kèm cặp cô bé.

Bà em cũng mong tôi cố gắng giúp đỡ để Thùy tiến bộ, cho ba mẹ em yên tâm làm việc. Chứ bà cũng không còn cách nào để dạy dỗ được Thùy trong học tập. Bà cũng đã nhờ giáo viên chủ nhiệm nghiêm khắc có, mềm mỏng có nhưng thực sự với quỹ thời gian ít ỏi trong khi sỹ số lớp đông như vậy. Giáo viên chủ nhiệm cũng không thể đủ thời gian để kèm cặp và chấn chỉnh được em vào quỹ đạo học tập như những học sinh bình thường khác. Do đó, Thùy luôn trong danh sách học sinh cá biệt.

Bà Thùy cũng buồn vì chưa bước vào cửa lớp nghe phản ánh của giáo viên chủ nhiệm thì ngay hành lang sân trường, các bạn trong lớp đã thi nhau tíu vào bà kể tội bạn Thùy bị cô phạt vì chưa làm bài nọ, chưa chép bài kia, nộp vở trắng…

Chỉ nghe bảng “thành tích bất hủ” đó đã khiến tôi gợn lòng. Nhưng tôi không cho phép mình chùn bước. Trong hoạt động đoàn đội, tôi được đánh giá là một người giỏi thuyết phục. Tôi nhận lời sẽ giúp bà dạy kèm Thùy để thay đổi nề nếp, thái độ học tập và kết quả học tập của em.

tham khảo thêm: Giải pháp nào cho học sinh mất căn bản lấy lại kiến thức?

Những buổi đầu tiếp xúc với Thùy, tôi nhận định đây là cô bé có nhiều tâm trạng cảm xúc. Vẻ bề ngoài, Thùy khá xinh xắn, nhanh nhẹn, lễ phép. Những bài tập tôi giao về kiến thức cũ và mới đan xen, Thùy hoàn thành nhanh chóng. Chỉ có một vài bài tập suy luận cần trình độ nâng cao là tôi phải giảng giải Thùy mới hiểu. Sau đó, tôi cho lại dạng bài tập đó, em nhanh chóng hoàn thành mà không phải tốn quá nhiều thời gian.

Bà Thùy cũng cảm thấy vui mừng ra mặt vì có lẽ tôi đã chinh phục được “sự lười” của cô bé. Nhưng không, hôm nào đến dạy kèm Thùy, bà cũng than vãn với tôi, không hiểu tôi có sức hút ghê gớm thế nào khiến con bé hoàn thành bài vở nhanh nhẹn thế. Bởi ngày nào lên lớp, Thùy vẫn chứng nào tật ấy, chỉ ngồi chuyện nọ, việc kia, bài vở không chép, không làm. Cuối giờ cô giáo kiểm tra vở trắng trơn.

Tôi động viên bà và bình tĩnh đi tìm những khúc mắc từ cô bé. Tôi nhẹ nhàng hỏi sao Thùy không làm bài, viết bài trên lớp thì được em trả lời một câu là không thích. Tôi đành đưa ra kế sách rằng: “Vậy thôi, nếu hôm sau Thùy không làm bài, viết bài trên lớp, cô sẽ xin bà nghỉ dạy em”.

Nghe nói vậy Thùy cau mày và buồn bã nói: “Nếu em ngoan ngoãn làm bài, chép bài cả tuần, cô vẫn dạy và chơi với em nhé”! Tôi gật đầu và thấy cay cay nới khóe mắt. Có lẽ con bé thiếu thốn tình cảm cha mẹ, nó mong muốn và cần được chia sẻ, vui chơi, vỗ về. Dù sao, bà cũng là thế hệ khác, cũng có một khoảng cách rất xa để có thể mang lại cho nó niềm vui đó.

Từ khi tôi nhận lời hứa đó, có hôm cuối tuần tôi đã phải đưa con bé đi công viên, đi siêu thị… Nhưng đổi lại đã có phản hồi tích cực từ giáo viên chủ nhiệm khiến bà em vui lắm.

Tôi cũng cảm thấy tự tin vào bản thân mình hơn khi đứng trước mọi việc khó. Rồi tôi cũng dạy kèm con bé cho đến khi tôi ra trường và nó học hết bậc tiểu học.

Ngày sinh nhật con bé, tôi là khách mời danh dự, bà và ba mẹ Thùy rất vui nói lời cảm ơn tôi rối rít. Còn Thùy, nó lấy hai quả sơ ri duy nhất trên chiếc bánh gato dành tặng tôi vì biết tôi thích ăn món đó. Tôi biết, đó là những tình cảm chân thành nhất của một đứa trẻ ngây thơ dành tặng tôi. Tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc.