Tại sao khi mài dao phải cho một ít nước vào phía trên của dao?

Mùa hè nóng nực chúng ta thường thích đi tắm, đi bơi hoặc đi hóng mát, khi thân mình đã ướt chúng ta sẽ cảm thấy rất mát, tại sao lại như vậy? Nước lạnh sở dĩ có thể làm giảm nhiệt độ của vật thể cơ bản là do 2 nguyên nhân: thứ nhất, nước lạnh có tác dụng hút đi một phần nhiệt lượng trong vật nóng, làm cho nhiệt độ của vật nóng hạ xuống. Thứ hai, nước phủ trên bề mặt vật nóng, nó sẽ bốc hơi vào không khí, sự bốc hơi của nước sẽ mang theo một nhiệt lượng nhất định, làm giảm nhiệt độ của vật nóng.

Cũng giống như vậy, khi mài dao ta phải cho thêm ít nước vào phía trên của dao để giảm nhiệt độ của dao. Bởi vì khi mài dao sẽ sinh ra nhiệt lượng làm cho dao nóng lên.

Mùa đông trời lạnh chúng ta thường xoa 2 bàn tay vào nhau, tạo ra nhiệt lượng làm ấm tay; đầu que diêm mài vào hộp diêm tạo ra nhiệt lượng làm cháy lớp thuốc trên que diêm. Đó là quá trình sinh nhiệt của ma sát. Khi dao được mài đi mài lại trên phiến đá sẽ sinh rất nhiều nhiệt lượng. Nếu chúng ta không có các biện pháp làm giảm nhiệt lượng của dao thì nhiệt độ của dao sẽ ngày càng cao, làm hại lưỡi dao. Sau khi tạo thành hình chiếc dao, chiếc dao phải trải qua quá trình xử lý nhiệt gọi là “tôi sắt” tức là tăng nhiệt độ của dao đến một mức độ nhất định sau đó lập tức cho dao vào nước, dầu hoặc không khí để làm lạnh nhanh chóng, làm tăng độ cứng và khỏe của dao. Nhưng nếu nhiệt độ của dao quá cao, lưỡi dao sẽ mất đi quá trình xử lý “tôi sắt” nên không thể cứng, sắc và bền được như trước nữa, khi chặt xương hoặc các đồ vật cứng lưỡi dao sẽ bị cong hoặc sứt mẻ.

Do vậy khi mài dao người ta phải cho nước vào phía trên của dao để làm giảm nhiệt độ của dao.