TÌM KIẾM DẤU VẾT CỔ ĐẠI TỪ VŨ TRỤ

Từ khóa tìm kiếm: Những bí ẩn của nhân loại – Minh Anh

Hiện nay, việc sử dụng các vệ tinh chụp Trái Đất đã cho phép các nhà khảo cổ học rút ngắn rất nhiều thời gian tìm kiếm các tàn tích và đạt được hiệu quả cao.

Năm 1993, sau ba năm tìm kiếm không mệt mỏi giữa những đồi cát nóng bỏng của sa mạc Gobi (Mông Cổ), nhà khảo cổ học Michel Novachec cùng nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Thư viện Tự nhiên học (Mỹ) đã chạm tay vào một trong những tàn tích hóa thạch cổ đại thuộc loại lớn nhất trên thế giới.

Đó là địa danh nổi tiếng có tên Ukha Tolgod, nơi lưu giữ vô số các bộ xương hóa thạch của những động vật thời tiền sử, tàn tích của một số loài khủng long, một số loài động vật cổ thuộc loại chim cực hiếm có tên Mononykus, cùng với những bộ xương hóa thạch của các loài động vật có vú thuộc Kỷ Mesosoid.

Từ đó đến nay, hàng năm nhà khảo cổ học đến vùng sa mạc này để tìm kiếm những tàn tích mới. Việc khai quật trên vùng đất sa mạc này là vô cùng khó khăn, gian khổ do hệ thống đường sá hầu như không có. Các nhà khoa học phải làm việc dưới cái nóng gay gắt, nắng và gió kinh khủng của khí hậu sa mạc. Phần lớn các tàn tích cổ đại được tìm thấy ở phía Nam Mông Cổ là về động vật sống cách đây khoảng 80 triệu năm, tức vào khoảng 15 triệu năm trước khi loài khủng long biến mất khỏi Trái Đất. Qua tàn tích hóa thạch được tìm thấy, chúng chứng tỏ một điều: Tại sa mạc Gobi vào một thời kỳ nào đó đã từng tồn tại những vùng hoặc đầm có nước và một thảm thực vật khá đầy đủ để đảm bảo cuộc sống cho nhiều loài khủng long, thằn lằn và các loài động vật có vú khác.

Tại khu vực Ukha Tolgod, các nhà khảo cổ học đã tìm kiếm trên một vùng rộng 4 km2 và những hóa thạch mà họ phát hiện được nhiều hơn tất cả những gì đã phát hiện được trước đó trên sa mạc Gobi. Quan trọng hơn cả, các nhà nghiên cứu đã xác định được bứa tranh toàn cảnh về sự tiến hóa của loài động vật có vú, cũng như về quá trình sinh sản của loài khủng long. Các bộ xương và các dấu vết hóa thạch đã chứng tỏ: Loài khủng long cũng rất quan tâm đến tổ và trứng của chúng tương tự như ở loài chim hiện đại ngày nay. Còn những hóa thạch của loài động vật có vú đã cung cấp các chứng cứ cho các nhà nghiên cứu, hoàn thiện thêm về cây tiến hóa, bổ sung các nhánh cơ sở dẫn đến việc xuất hiện loài người.

Để có thể định vị chính xác những điểm mới, tập trung các hóa thạch trên sa mạc Gobi mênh mông, họ phải sử dụng các bức ảnh chụp từ vệ tinh Landsat. Trên vệ tinh này có 70 bộ chụp cực nhạy và rõ. Các bộ chụp ảnh này có thể chụp những ảnh phản xạ lại bởi tia nắng mặt trời hoặc từ một nguồn phát nhiệt, từ đó họ có thể xác định được những vị trí có sự hiện diện của đất đồi trên sa mạc toàn cát, do xác suất có những dấu tích hóa thạch là lớn nhất tại các khu vực này. Các nhà khảo cổ cũng cho biết: Thường các hóa thạch của động vật cổ đại được tìm thấy ở những nơi nguyên là nền của những ngọn núi lớn trước đây đã từng có, ở sa mạc Gobi. Ở đó, thường có những lớp đá kết và nét đặc trưng là rất hiếm cây cối, thực vật sinh sống. Những đặc điểm này dễ dàng xác định được, tại những bức ảnh do vệ tinh chụp từ vũ trụ.