Gia sư dạy tai nhà – lợi ích và tác hại

Ghi chú: Tài liệu trích dẫn

Chi ra gần cả chục triệu /tháng nhằm thuê gia sư tới dạy kèm cho con, thế nhưng, nhiều PHHS lại vô tình không biết : Đã ảnh hưởng lớn đến thái độ học tập, là nguyên nhân thui chột sự sáng tạo của con em mình.

Hiện nay không khó để phụ huynh tìm một gia sư về kèm cặp việc học cho con tại nhà. Từ việc tìm kiếm trên mạng, tờ rơi, thậm chí phụ huynh ngồi nhà cũng được nhiều trung tâm gia sư nhiệt tình gọi điện săn đón. Chị H., một phụ huynh có con học lớp 9 Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) cho hay, ngoài giờ học chính khóa ở trường, chị còn thuê gia sư dạy kèm 4 môn ở nhà với mức phí từ 1,8 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/người tùy vào số buổi dạy mỗi tuần.

Việc thuê gia sư tuy có tốn kém nhưng đáng “đồng tiền bát gạo” bởi lực học của con chị tiến bộ lên trông thấy, bảng điểm năm nào cũng vượt mức đạt danh hiệu học sinh giỏi. Không chỉ thế, điều khiến chị H. an tâm nhất là con mình không phải tất tả chạy tới các lớp học thêm vừa đông đúc lại vừa nóng nực.

Chị H. cho biết thêm, chị có hẳn một “hội chơi” gồm những người có con sàn sàn tuổi nhau để tiện giới thiệu gia sư trợ giúp khi cần thiết.

Quả thực, việc thuê gia sư dạy kèm đang ngày càng trở nên phổ biến, thậm chí số gia sư được thuê để dạy kèm từ… lớp 1 ngày càng nhiều. Nếu như trước đây, phụ huynh thường thích thuê sinh viên để dạy kèm con em mình thì nay những người có xuất thân là giáo viên lại được chuộng hơn bởi tâm lý phụ huynh thích những người nắm vững chương trình học để hiểu trẻ cần gì, thiếu gì. Tuy nhiên, chính vì hiểu rõ chương trình, biết khả năng của từng lớp học, cấp học sẽ tới đâu kèm theo tâm lý muốn cho nhanh, tiện nên nhiều gia sư đã “học” thay, “làm bài” thay cho chính học sinh.

Một giáo viên dạy văn ở Trường THPT Nguyễn Tất Thành nhớ lại (xin giấu tên), trong đợt kiểm tra học kỳ I cách đây 1 năm, chị từng ấn tượng với bài văn của một học sinh về vấn đề xã hội nên không khỏi ngạc nhiên khi thấy có bài văn giống đến từng… dấu chấm câu do một học sinh ở lớp khác làm. Hỏi ra mới biết, hai em này được học cùng một gia sư môn văn. Do đó, các em chỉ việc đưa nội dung đề cương, gia sư sẽ làm toàn bộ theo nội dung yêu cầu và nhiệm vụ của các em chỉ là… học thuộc và chép lại.

Một nữ gia sư môn văn cho chúng tôi biết: “Mỗi học sinh tôi dạy 3 buổi/tuần, mỗi buổi chỉ trong 1 tiếng rưỡi nên không đủ thời gian để gợi ý hết tất cả yêu cầu trong các đề văn để các em tự làm. Tâm lý học sinh ngày nay không thích học môn văn, lại lười sáng tạo nên các em chỉ thích có sẵn bài để học thuộc hoặc làm theo ý tứ trong văn mẫu. Vì thế, cứ đến mùa thi, tôi lại soạn sẵn các bài văn theo nội dung đề cương để các em dễ học”.

Không giống như môn văn, nhiều gia sư các môn thuộc khối tự nhiên còn vất vả hơn vì phải… dạy lại kiến thức trên lớp cho học trò. Phải dạy lại một phần vì khả năng tiếp thu trên lớp của các em kém hơn so với các bạn, nhưng phần khác lại do sự thiếu tập trung, chểnh mảng khi nghe thầy cô giảng bài. Với tâm lý “sẵn gia sư ở nhà”, trên lớp không tập trung vào bài học thì về nhà sẽ được gia sư dạy lại, vô hình trung, những học sinh này có thái độ học tập không phù hợp trên lớp, thậm chí là không tôn trọng chính giáo viên bộ môn.

Một gia sư môn toán thừa nhận: “Có những bài toán không khó lắm, chỉ cần vận dụng công thức là tìm ra cách giải nhưng các em lại không làm ngay mà đem về nhà để nhờ gia sư hướng dẫn. Nhiều lúc, chỉ dạy các em theo kịp chương trình sách giáo khoa cũng đã hết thời giờ, nói gì đến chương trình nâng cao. Lâu ngày, thói quen này sẽ bào mòn sự mày mò, suy nghĩ của chính các em, tạo tâm lý ỷ lại và có cái nhìn lệch lạc về gia sư”.

Thầy Huỳnh Quốc Khanh, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú (Q.10), cho biết việc phụ huynh thuê gia sư dạy kèm cho con em là chuyện rất bình thường, thậm chí trong nhiều trường hợp cần được khuyến khích. “Khả năng tiếp thu kiến thức của mỗi học sinh không giống nhau, có em có thể tiếp thu nhanh khi ở trên lớp nhưng có em lại chỉ có thể tiếp thu được theo kiểu “một thầy, một trò”. Tuy nhiên, có thể việc thuê gia sư với học sinh này thì là lợi, nhưng với em khác lại là hại. Vì vậy, tùy khả năng của mỗi học sinh mà phụ huynh cần cân nhắc để có cách giáo dục phù hợp. Riêng học sinh yếu, tiếp thu chậm thì nên có gia sư để giúp các em theo kịp chương trình”, thầy Huỳnh Quốc Khanh nhận định.

Theo ý kiến của nhiều giáo viên tiểu học: Ở bậc tiểu học, phụ huynh nên để con tự học và chỉ có sự hướng dẫn của phụ huynh khi cần thiết bởi kiến thức ở bậc học này thường chưa quá phức tạp. Chính sự tự học sẽ giúp các em rèn luyện trí não, tự tích lũy kiến thức cũng như giúp các em có tính sáng tạo và tự lập sau này.

Linh Vy báo Giáo Dục TPHCM