Học Nói Tiếng Anh Hiệu Quả

Từ khóa tìm kiếm: Tự Học Tiếng Anh Hiệu Quả

Hiểu lầm tai hại về học nói


Tôi nghe nhiều người than phiền rằng họ không có môi trường luyện nói tiếng Anh đủ nên họ vẫn chưa nói được tiếng Anh. Một số khác thì kêu rằng họ bị thiếu vốn từ vựng và khi nói thì mắc quá nhiều lỗi sai. Hay một số nơi có niềm tin sắt đá rằng là cách duy nhất để học nói là phải mở miệng ra và phải nói thật nhiều! Vâng, tôi không nói những suy nghĩ trên là sai hoàn toàn nhưng bạn đã thử làm các cách đó chưa? Và kết quả như thế nào? Tôi tin rằng bạn tự có câu trả lời cho mình.

Theo một nghiên cứu về Ngôn ngữ học mà tôi tự tìm hiểu thì việc thực hành tiếng Anh sai cách có thể huỷ hoại khả năng nói và viết tiếng Anh của bạn, câu “practice makes perfect” không phải lúc nào cũng đúng. Nó đúng nhưng thiếu một vế nữa là “when to practice  and how to practice will complete the story” (khi nào thực hành và thực hành như thế nào mới khiến câu chuyện học tiếng Anh rõ nét được). Hãy đừng nhìn đi đâu xa, lấy chính ngay bản thân bạn thôi, lúc bạn “luyện nói” tiếng Anh như được người ta “khuyên bảo”, trong một câu thôi nhưng bạn vừa mắc lỗi ngữ pháp, lỗi diễn đạt, lỗi phát âm, lỗi dùng từ và khi bạn lại đi luyện tập hàng ngày với bạn của bạn (trình độ cũng kém như bạn, hay kể cả giỏi hơn bạn) thì bạn cũng đang củng cố lại tất cả những lỗi sai tôi vừa kể trên! Wow! Bạn đang luyện tập để giỏi lên hay để càng ngày càng thấy tiếng Anh là một cơn ác mộng vậy?. Nó giống như bạn mới học bắn súng, đáng nhẽ bạn chỉ được dùng súng lục nhưng chưa gì bạn đã cầm Aka bắn loạn lên và thế là bạn sợ hãi tới mức không bao giờ dám động đến súng nữa! Trong khi nếu bạn làm theo chỉ dẫn đúng cách từng bước một thì có thể đây là một môn giải trí tuyệt vời cho bạn. Bạn thấy không? Lỗi không hề nằm ở tiếng Anh, lỗi ở người chỉ dẫn cho bạn, và bạn ngây thơ đã sử dụng sai quy cách mà thôi. Thay vì sửa sai, hãy cùng “yêu lại từ đầu”, yêu “đúng”, yêu “an toàn” với anh bạn tiếng Anh nhé!


Yếu tố then chốt của học nói Tiếng Anh


Bạn có thể bắt đầu xem qua lại phần “Cảm âm trước khi phát âm” trước khi đọc tiếp phần này. Nếu bạn đã nắm rõ bảng phiên âm IPA và tra từ điển đọc được bất cứ từ nào thì phần tiếp theo sẽ dễ dàng hơn với bạn rất nhiều. Hãy cùng nhìn lại quá trình bạn đã tiếp nhận tiếng Việt như thế nào thì quy luật học bất cứ thứ tiếng nào cũng tương tự như vậy. Chúng ta bắt đầu tiếp nhận ngôn ngữ thông qua hoạt động nghe, nghe và nghe chứ không phải là giống như hồi mới học tiếng Anh, thầy cô dạy chúng ta đọc và viết (từ mới) trước – một điều đi ngược lại tiến trình tiếp nhận ngôn ngữ tự nhiên. Một đứa trẻ để nói được cả câu mất từ hai đến ba năm đầu đời tắm trong ngôn ngữ, chúng nghe từ bố mẹ, ông bà, bạn bè, ti vi… Đương nhiên là chúng ta không mất đến chừng đó thời gian để cảm âm. Vì chúng ta là người trưởng thành học ngôn ngữ nên có thể tự học và rút ngắn thời gian đó lại bằng cách học chủ động.