NHỮNG BÍ ẨN XUNG QUANH HIỆN TƯỢNG ĐA PHU

Từ khóa tìm kiếm: Những bí ẩn của nhân loại – Minh Anh

Quan sát thế giới loài vật, ông tổ của thuyết tiến hóa – Darwin cho rằng con cái thường nhút nhát, ít thích giao phối hơn con đực và chỉ chọn một con đực nào nổi bật nhất. Từ học thuyết này, Darwin đã suy ra phụ nữ cũng có thái độ ứng xử như vậy. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu gần đây lại nhìn nhận khác.

Trên tạp chí khoa học Proceeding of Royal Society số gần đây, nhà tâm lý học – sinh vật học Steven Gangestad, Đại học New Mexico (Mỹ), đã giới thiệu một công trình nghiên cứu bằng phương pháp vấn đáp và xét nghiệm hormone đối với 51 phụ nữ. Ông rút ra kết luận: Trong chu kỳ rụng trứng, phụ nữ có khuynh hướng bị những người đàn ông khác thu hút hơn chồng mình và đôi lúc sẵn sàng ngoại tình. Tuy số phụ nữ được Steven Gangestad khảo sát còn chưa lớn, nhưng kết luận này lại được nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận, vì nó phù hợp với nhiều phỏng đoán lâu nay. Cách đây 3 năm, giáo sư sinh vật học nổi tiếng Jared Diamond, Đại học Y khoa Los Angeles (Mỹ), đã từng đưa ra một nhận định tương tự. 63% trẻ em thuộc bộ tộc Ache đều có một hoặc hai người cha phụ

Một cuộc khảo sát khác đã được các nhà xã hội học Mỹ thực hiện trong các vũ trường cho thấy: Trong thời kỳ mang thai, phụ nữ thường thích ăn mặc hở hang hơn bình thường. Một nghiên cứu tiếp theo về phụ nữ thuộc bộ tộc du mục Bushman sống ở sa mạc Kalahari tại miền Nam châu Phi kết luận: Trong thời kỳ rụng trứng, bản năng tình dục của phụ nữ gia tăng, vì vậy họ sẵn lòng quan hệ tình dục thoải mái với chồng cũng như nhiều người đàn ông khác. Trước đó, một công trình nghiên cứu ở Anh chứng minh rằng, phụ nữ đồng tính vẫn cảm thấy “sung” hơn trong thời kỳ rụng trứng.

Hàng ngàn năm nay, nam giới thường dùng mọi biện pháp để kiểm soát khả năng sinh sản và bản năng tình dục của phụ nữ. Dù vậy, xu hướng ngoại tình theo chu kỳ kinh nguyệt vẫn tồn tại vì xét về di truyền học, xu hướng này là di sản còn sót lại của lịch sử tiến hóa. Đến giữa thế kỷ XX, các công trình nghiên cứu di truyền học vẫn tiếp tục củng cố học thuyết của Darwin. Qua nghiên cứu trên ruồi giấm, các nhà khoa học kết luận: Con đực cải thiện giống nòi bằng cách giao phối với con cái càng nhiều càng tốt. Trong khi đó, con cái không bao giờ hành động “buông thả” như vậy. Nhà sinh học Angus John Bateman dùng phương pháp loại suy từ loài vật sang loài người và kết luận: Con đực càng “háo sắc” bao nhiêu thì con cái càng thụ động bấy nhiêu. Theo Bateman, con đực rất dễ sản xuất tinh dịch nên càng phung phí tinh dịch bao nhiêu càng có nhiều con cháu bấy nhiêu, trong khi con cái sản xuất ít trứng hơn, do đó rất chăm chút tìm kiếm con đực thích hợp mới cho trứng.