NHỮNG BÓNG MA “ĐỀU NẰM TRONG TÂM TƯỞNG”

Từ khóa tìm kiếm: Những bí ẩn của nhân loại – Minh Anh “Bóng ma là cách diễn giải trí óc về quá trình tương tác của cơ thể với những vật xung quanh”, các nhà tâm lý học Anh đã nhận định. Cảm giác ớn lạnh khi trời chạng vạng tối hoặc ở trong một từ trường nào đó có thể gợi nên nỗi ám ảnh “có ai đó” trong phòng, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở mức độ cảm giác mà thôi.

Lời giải thích này là kết quả của một cuộc nghiên cứu lớn. Trong đó, các nhà nghiên cứu đã dẫn hàng trăm người tình nguyện đi vòng quanh hai địa danh hãi hùng nhất ở nước Anh – cung điện Hampton Court và các hầm mộ South Bridge ở Edingburgh, Scotland.

Tiến sĩ Richard Wiseman, thuộc Đại học Hertfordshire và cộng sự cho biết nghiên cứu của họ đã đưa ra nhiều số liệu thú vị, giúp lý giải vì sao nhiều người có thể cảm thấy kinh hãi trong một toà nhà, nhưng không tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của bóng ma ở đó.

Tại Hampton Court – được cho là nơi đang ẩn náu oan hồn Catherine Howard, vợ thứ 5 của vua Henry VIII, người đã bị xử tử – các tình nguyện viên được yêu cầu đối mặt với nỗi sợ của họ. Họ phải ghi lại tất cả trải nghiệm bất thường nào, chẳng nghe thấy tiếng bước chân, cảm giác ớn lạnh hoặc nhìn thấy một bóng người xuất hiện trong phòng, cũng như đánh dấu mức độ cảm nhận ở mỗi vị trí lên một sơ đồ. Tất nhiên trước khi làm điều này, các tình nguyện viên đã phải kê khai tất cả những gì họ biết hoặc từng nghe nói về những nỗi ám ảnh ở đây.

Tiếp đó, các nhà nghiên cứu kiểm tra lại sự phân bố của những trải nghiệm bất thường. Theo sắp đặt thông thường, tần suất gặp ma sẽ phân bố đều khắp toà nhà. Nhưng trong một mô típ ám ảnh cổ điển, các cuộc chạm trán sẽ tập trung xung quanh những vị trí đặc biệt nào đó.

Kết quả thật bất ngờ: những người tham gia ghi nhận số lượng trải nghiệm bất thường cao hơn hẳn tại các điểm vốn nổi tiếng là ma quái của Hampton Court, như các phòng của Georgian và phòng trưng bày Ma ám. Trong các hầm mộ ở Edinburgh, kết quả cũng tương tự: những hầm mộ bị coi là kỳ bí hơn cả cũng là những địa điểm diễn ra hầu hết các trải nghiệm bất thường của những người tình nguyện.

Các nhà nghiên cứu cắt nghĩa: Đây chính là bằng chứng cho thấy nỗi ám ảnh là hiện tượng có thật, bởi chúng chỉ tập trung ở một vài địa điểm đặc biệt nào đó. Và thực tế là những người thuộc các nền văn hoá khác nhau đều trải qua những cảm giác tương tự dù đã qua hàng trăm năm.

“Ám ảnh tồn tại, với ý nghĩa là tồn tại những khu vực mà ở đó người ta trải qua những cảm giác bất thường”, tiến sĩ Richard Wiseman lập luận.

Nhưng sự thực thì ma quỷ là gì? Wiseman và cộng sự không chắc chắn về điều đó. Họ nhận định, dù có vẻ như hơi ngược đời rằng ám ảnh tồn tại nhưng ma thì không. “Người ta trải qua những cảm giác như nhau ở những địa điểm không đổi, nhưng tôi cho rằng nó chủ yếu xuất phát từ những nhân tố thị giác, và cùng với một vài yếu tố môi trường nữa”, ông nói.

Khi kiểm tra chi tiết tại mỗi địa điểm như nhiệt độ, cường độ ánh sáng và diện tích phòng, tiến sĩ Wiseman cho rằng những người “bị ám ảnh” đã bị ảnh hưởng một cách vô thức với những yếu tố của môi trường và “trạng thái gợi nên sự hoảng sợ” của cảnh vật xung quang. Ông cho biết có rất nhiều trường hợp cảnh vật đã trở nên ma quái trong mắt người tình nguyện, ở những nơi mà trước đó chưa ai trải nghiệm cảm giác ấy.

Những người theo chủ nghĩa hoài nghi từ lâu vẫn tin rằng: những lần gặp gỡ với ma một phần bị chi phối bởi những hiểu biết trước đó của một người về địa điểm này và lịch sử của nó. Nhưng nghiên cứu mới đã bác bỏ giải thích đó. “Chúng tôi tìm thấy rất ít nếu không muốn nói là không có bằng chứng nào về việc hình dung trước đó của một người về các khu vực bị ma ám lại có thể ảnh hưởng đến những trải nghiệm thực tế của họ”, Wiseman nói.