Tại sao ủng cao su khi phơi nắng rất dễ bị hỏng?

Ủng cao su được chế tạo từ cao su. Trong những khu rừng cao su, người ta thường dùng dao khắc những rãnh nhỏ trên vỏ cây cao su để lấy nhựa. Đây là nguyên liệu quan trọng để chế tạo các dụng cụ bằng cao su trong đó có ủng cao su. Trong quá trình sản xuất người ta cho thêm axít và lưu huỳnh vào trong nhựa cao su để tăng thêm độ dính kết và tăng thêm sức bền cho cao su. Nhưng muốn sử dụng được trong công nghiệp hay dùng trong sinh hoạt, nếu chỉ có những công đoạn như vậy thôi thì vẫn chưa đủ; chúng còn trải qua quá trình tạo màu, ví dụ cho thêm cacbon để cao su có màu đen mềm hơn, độ đàn hồi cao, và giúp chế tạo các đồ dùng được tốt hơn.

Tia tử ngoại trong ánh mặt trời là một loại tia cực mạnh. Khi chiếu vào cao su, nó không những phá vỡ lực liên kết giữa các phân tử làm cho cao su trở mềm mà còn thâm nhập vào bên trong làm phá hỏng kết cấu của phân tử này. Cao su sẽ mất đi tính đàn hồi và lực liên kết; làm cho các đồ vật được chế tạo từ cao su bị nứt. Vì thế, cần tránh phơi những sản phẩm làm từ cao su dưới ánh nắng mặt trời.

Tay bạn bị bẩn sau khi lau rửa ôtô hay xích xe đạp, bạn có thể dùng dầu mazút để rửa cho sạch; nhưng ủng cao su bị bẩn không được dùng dầu để rửa. Cao su không tan trong nước nhưng lại dễ tan trong dầu hoả, xăng, clorofom và một số dung môi hữu cơ khác. Vì thế khi ủng cao su bị bẩn bạn nên dùng bàn chải và nước nóng cọ sạch sau đó đem phơi khô trong bóng râm hoặc dùng khăn lau khô và cất giữ gìn cẩn thận có như vậy mới thể kéo dài tuổi thọ cho ủng cao su.