Bệnh quai bị và buồng trứng

“Nghe nói con trai mắc bệnh quai bị thì teo tinh hoàn, vậy con gái mắc quai bị có bị teo buồng trứng không? Em hồi bé đã mắc bệnh này rồi thì có bị lại không?”.

Bệnh quai bị thường gặp nhiều nhất ở lứa tuổi từ 5 đến 15, người lớn có khi vẫn mắc. Đã bị một lần rồi thì coi như có sức miễn dịch chống bệnh vĩnh viễn. Tuy nhiên, vẫn có 5% trường hợp bị lại. Do vậy, em vẫn phải cẩn thận khi tiếp xúc với bệnh nhân quai bị vì bệnh này lây qua nước bọt.

Nam hay nữ đều có thể mắc bệnh quai bị; tinh hoàn hay buồng trứng đều có thể bị virus quai bị tấn công. Tuy nhiên, có thể thấy rằng những người mắc quai bị lúc còn nhỏ hầu như không bị tinh hoàn hay teo buồng trứng. Các biến chứng này thường xảy ra khi cơ thể đã phát dục (tuổi dậy thì) hoặc đã trưởng thành. Do đó, nếu ở tuổi này, em phải đặc biệt chú ý giữ gìn. Trong thời gian bị bệnh, cần hạn chế tối đa việc đi lại (nên nằm nghỉ trên giường), cố gắng ăn uống đủ chất đều đặn, dùng thêm các vitamin, chất khóang và kháng sinh chống bội nhiễm. Hiện chưa có thuốc chống được virus quai bị.

Em cũng cần nhớ thêm rằng, virus quai bị từ tuyến nước bọt không chỉ tấn công tinh hoàn hay buồng trứng, mà còn có thể “hỏi thăm” màng não, tuyến tụy, thậm chí cả thận, khớp, tim, gan…Biến chứng ở các cơ quan này thường xảy ra trong 4-7 ngày sau khi sưng tuyến mang tai.