Cơn đau quặn thận

“Tôi làm nghề nông, bị đau quặn bụng phải dữ dội kèm theo đái buốt, lần sau cách lần đầu chừng một tuần, siêu âm cho biết bị giãn đài bể thận bên phải. Xin cho biết nguyên nhân; chuyện phòng the có liên quan gì đến bệnh không? Có cần xét nghiệm gì thêm không và cách chữa ra sao?”.

Nếu kết quả siêu âm nói trên là chính xác thì bác đã hai lần bị cơn đau quặn thận bên phải do sỏi đường tiết niệu di chuyển xuống dọc theo niệu quản.

Để dễ hình dung, bác coi bể thận như một thùng chứa nước đặt bên trên, và niệu quản là cái ống dẫn nước xuống. Bấy lâu nay trong thùng chứa của bác đã xuất hiện một hay nhiều viên sỏi nhỏ hoặc to, nhưng vì chúng nằm yên tại chỗ nên bác thấy “bình yên vô sự”. Nay đột nhiên một viên sỏi tụt vào ống dẫn nước và di chuyển xuống dưới, gây đau dữ dội vì ống dẫn phải co bóp mạnh để tống cái vật lạ đó đi.

Nếu viên sỏi nhỏ, nó có thể đi xuống bàng quang; từ đó có thể tụt vào niệu đạo, gây đau buốt dọc dương vật trước khi lọt được ra ngoài.

Nếu sỏi to hoặc sần sùi, nó sẽ mắc kẹt trong niệu quản, gây tắc nước tiểu từ thận xuống, làm cho bể thận bị giãn ra; nếu để muộn sẽ gây giãn đài thận (nơi chứa các ống li ti dẫn nước tiểu ra bể thận). Để muộn thêm nữa thì quả thận sẽ bị giãn, nhu mô thận bị hủy hoại, trở thành một túi nước vừa vô dụng, vừa nguy hiểm vì dễ bị nhiễm khuẩn thành một túi mủ.

Trường hợp của bác phải được các bác sĩ ở chuyên khoa tiết niệu khám xét và giải quyết. Tại đây, bác sẽ có thể chụp X-quang thường ổ bụng (sau khi thụt tháo phân kỹ càng hai lần liên tiếp để không nhầm viên phân với viên sỏi) nhằm xác định có sỏi tại những vị trí nào (thận, niệu quản), kích thước và hình thù viên sỏi. – Nếu viên sỏi niệu quản to, sần sùi, nằm ở nơi khó vượt qua…, bác sĩ sẽ chỉ định mổ. Bác sẽ phải chụp thêm thận thuốc (để đánh giá chức năng bài tiết của cả hai thận và tình hình đài bể thận). – Nếu viên sỏi nhỏ, hy vọng có thể tự tụt xuống thêm để ra bàng quang, bác sĩ chuyên khoa sẽ cho điều trị bảo tồn một thời gian ngắn (chủ yếu là cho chạy nhiều bận trong ngày sau những lần uống nhiều nước; nếu cần thì dùng thêm thuốc giảm đau để bệnh nhân chạy được thuận lợi). Nếu không biến chuyển, nhất thiết phải phẫu thuật. – Nếu sỏi đã xuống bàng quang, trường hợp không tự đái ra được sẽ được chữa bằng kỹ thuật tán sỏi, không nhất thiết phải mổ như trước đây. Sỏi bàng quang để lâu sẽ lớn dần do được bọc thêm các lớp vôi xung quanh, dễ gây chảy máu và viêm nhiễm bàng quang. – Nếu có sỏi ở đài bể thận, bác sĩ tiết niệu sẽ cho chỉ định cụ thể tùy từng tình huống. – Nếu chụp X-quang không thấy sỏi thì hoặc viên sỏi không cản quang (hiếm gặp), hoặc không có sỏi (nếu vậy thì kết quả siêu âm vừa qua là không chính xác, vì những hạt sỏi li ti tuy gây đau khi di chuyển nhưng không thể gây giãn đài bể thận).

Bác cần khẩn trương lên. Bởi lẽ trong điều trị sỏi niệu quản, yếu tố quan trọng hàng đầu là thời gian: – Khi còn cơn đau quặn thận là còn sớm; nếu thanh toán được viên sỏi thì mọi chuyện sẽ trở lại gần bình thường hoặc như cũ. – Khi không còn cơn đau là đã muộn hay quá muộn. Lúc bấy giờ, nếu có mổ lấy vỏ viên sỏi thì chức năng thận khó phục hồi hoặc mất hẳn.

Chuyện phòng the không phải là nguyên nhân gây bệnh sỏi tiết niệu. Nhưng khi quan hệ vợ chồng, những động tác đột ngột và mạnh mẽ vùng lưng có thể làm cho viên sỏi đang nằm yên trong bể thận lọt vào niệu quản (cũng như khi ta chạy nhảy hay đi lại nhiều).

Dù có mổ lấy sỏi hay không, từ nay trở đi bác cần chú ý thường xuyên dùng một chút chất chua và uống nhiều nước (nước chanh, cam, nước ép hoa quả chua như khế, muỗm…) để giúp cho nước tiểu bớt kiềm, hạn chế hiện tượng sinh sỏi.