Ghép khác với nối

“Chúng em đang học lớp 11. Sau khi đọc được bài báo về ca mổ ghép bàn tay thành công lần đầu tiên trên thế giới, chúng em đã tranh cãi. Đứa thì bảo đúng đây là lần đầu, đứa thì bảo trước đây đã mổ thành công nhiều trường hợp tương tự. Xin cho biết ai đúng ai sai?”.

Hẳn là các em tranh luận về sự kiện ngày 24/9/1998: Lần đầu tiên trên thế giới, một ca ghép bàn tay được thực hiện thành công. Bệnh nhân là một người đàn ông 48 tuổi đã phải cắt cụt bàn tay trước đó 9 năm.

Nguyên nhân gây tranh luận có lẽ là do cả “hai phe” của các em đều chưa nắm chắc hai thuật ngữ “ghép” và “nối”.

Đúng là người ta đã nhiều lần nối thành công bàn tay bị cắt đứt do rủi ro. Ngay sau tai nạn, bàn tay bị cắt rời được kịp thời chuyển theo người tới bệnh viện, và kíp mổ đã thực hiện cùng một lúc các phẫu thuật kết xương, nối mạch máu, nối dây thần kinh, nối cân cơ… Về căn bản, đó là bàn tay của bản thân cho nên hễ nó “còn sống” là được, chỉ cần luyện tập cho tốt.

Còn “ghép” là đem bàn tay của người khác (thường là người vừa mới chết) ghép lên mỏm cụt bàn tay của bệnh nhân. Đây không phải bàn tay của bản thân nên rất dễ bị đảo thải; bệnh nhân sẽ phải liên tục dùng thuốc để chống lại hiện tượng đó. Ngoài ra, do bàn tay bị cụt đã khá lâu nên có thể trên vỏ não không còn vị trí đại diện của nó; điều này sẽ làm hạn chế chức năng của bàn tay ghép.

Xin biểu dương cuộc tranh luận của các em. Bởi vì chỉ qua tranh luận, ta mới phân định được chân lý. Chỉ xin nhắc là trước khi tranh luận, “hai phe” phải thống nhất về định nghĩa thuật ngữ. Ví dụ: ghép xương (đặt các mảnh xương, đoạn xương vào ổ gãy, giúp cho xương liền lại) khác với kết xương (dùng đinh, vít, nẹp… bằng kim loại để cố định nó); giải phẫu (mô tả hình dạng, vị trí, chức năng của các bộ phận cơ thể) khác với phẫu thuật (dùng dao kéo để mổ xẻ cơ thể)…