Ghép tụy chữa bệnh tiểu đường

“Xin cho biết về việc ghép tụy để chữa bệnh tiểu đường”.

Lúc đầu, người ta ghép tụy trên chó. Những con được ghép ở cổ đều chết vì thiếu men tiêu hóa. Những con được thay tụy (cắt bỏ tụy và thay tụy khác vào) cũng chết vì mảnh ghép bị loại trừ.

Chỉ có 20% mô tụy (gồm các tiểu đảo Langerhans) đảm đương nhiệm vụ nội tiết (tế bào A tiết glucagon làm tăng đường huyết, tế bào B tiết insulin làm giảm đường huyết). Một số tác giả đã tìm cách lấy riêng rẽ các tiểu đảo Langerhans để ghép. Ban đầu, họ ghép vào tụy nhưng rồi phải bỏ vì rất khó thực hiện. Sau đó, người ta ghép vào thành bụng, vào lách, vào tuyến thượng thận. Cuối cùng, một số tác giả đã tiêm vào tĩnh mạch cửa: lấy 350 tiểu đảo Langerhans của chuột bình thường tiêm cho 1 chuột đã được gây bệnh tiểu đường. Kết quả là chuột khỏi bệnh. Với khỉ và lợn, kết quả cũng tốt.

Nhằm tránh việc mổ bụng để tiêm vào tĩnh mạch cửa (nằm dưới gan), người ta dùng kim tiêm thẳng các tiểu đảo Langerhans vào gan của chuột; chuột khỏi bệnh. Các tế bào tụy nằm trong gan vẫn sống và tiết insulin bình thường. Một số tác giả tiến hành nuôi cấy các tiểu đảo Langerhans của lợn trong phòng thí nghiệm nhằm hai mục đích: sản xuất insulin một cách công nghiệp và nghiên cứu khả năng dùng các tiểu đảo này tiêm vào gan người.