Hươu cao cổ và cơ quan NASA

“Chúng em nghe nói người Mỹ đang nghiên cứu hươu cao cổ để chuẩn bị đưa nó lên vũ trụ, có đúng không?”.

Chắc các em nghe nhầm. Trong điều kiện hiện tại, việc đưa các sinh vật bậc thấp (tảo, vi khuẩn, côn trùng…) vào vũ trụ để nghiên cứu cũng phải tính toán cẩn thận, nói gì đến chuyện đưa những động vật bậc cao cùng đi với con người. Hươu cao cổ mới lọt lòng đã có chiều cao 2 m, cân nặng trung bình 60 kg, cồng kềnh hơn cả nhà du hành.

Tuy nhiên, chuyện nghiên cứu hươu cao cổ nhằm phục vụ cho công cuộc chinh phục vũ trụ ở Mỹ lại là điều có thật. Từ năm 1985, các nhà khoa học tại Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã chú ý đến những đặc tính qu báu của hươu cao cổ: Chúng cao từ 5 đến 6 m, có áp lực cột máu rất lớn; quả tim cực khỏe, nặng tới 11 kg, mỗi phút bơm được ít nhất 60 lít máu. Hệ cơ vòng dọc theo động mạch cổ của con vật cho phép nó đưa máu lên tận cái đầu ở tít trên cao. Tĩnh mạch của hươu cao cổ có những van đặc biệt giúp cho áp lực máu không thay đổi quá đột ngột mỗi khi con vật cúi đầu, vì những thay đổi này nếu xảy ra sẽ làm nó ngất xỉu. Chân của hươu cao cổ, nơi áp lực máu rất lớn, có một hệ thống mao mạch rất chắc giúp tránh được hiện tượng phù thũng.

Đó là những đặc tính mà các nhà du hành vũ trụ ước ao có được, bởi lẽ họ phải chịu đựng hiện tượng gia tốc trọng trường khi xuất phát và tình trạng vô trọng lực khi sống trên quỹ đạo.

Các nhà khoa học của NASA đã cho bắt 8 hươu cao cổ để nghiên cứu. Hai con được phẫu tích để xem xét cấu trúc cơ thể, đặc biệt là bộ máy tuần hoàn. Sáu con được cài đặt các ống thông vào mạch máu và đeo một máy phát tín hiệu ở cổ rồi được thả ra để theo dõi. Kết quả thu được đã giúp họ cải tiến bộ quần áo bảo vệ cho các nhà du hành vũ trụ.