Ích gì chuyện hành tội nhau

“Chúng tôi lập gia đình được 4 năm, có một cháu trai 3 tuổi. Trong thời gian mang thai cháu, tôi có quan hệ với người yêu cũ nên cho đến nay, nhà tôi vẫn nghi ngờ là cháu không phải con anh ấy, nhưng hứa không bỏ rơi nó. Nghe nói khoa học có thể thử máu mà biết được điều này, xin cho biết tiến hành ở đâu? Hiện gia đình tôi rất căng thẳng”.

Tại các nước phát triển, việc này không khó, chỉ cần chi trả một số tiền dịch vụ kha khá để làm xét nghiệm di truyền học. Kết quả chính xác tuyệt đối; thậm chí với cả những người đã khuất vẫn có thể xác lập được huyết thống.

Ở nước ta, cơ quan phụ trách hình sự đã làm được các xét nghiệm di truyền học trong việc điều tra tội phạm (qua các vết máu, lông, tóc, móng tay, tinh dịch lưu lại hiện trường). Các xét nghiệm này rất tốn kém, nhưng khi cần thiết vẫn phải tiến hành.

Trường hợp của gia đình các bạn thật éo le. Nhưng ích gì cái chuyện hành tội nhau khi cả hai đều yêu thương và hứa không bỏ rơi nó. Bỏ rơi sao được khi còn có luật pháp, có tòa án lương tâm. Hoặc các bạn tiếp tục bị stress (căng ép thần kinh) đến mức trở thành người bệnh hoạn, kéo theo xuống vực thẳm đó một đứa trẻ vô tội. Hoặc các bạn ôn tồn ngồi lại với nhau, ai nấy nhận lấy phần thiếu sót của mình trong quá khứ xa cũng như trong quá khứ gần, để cùng nhìn về tương lai của gia đình và nhất là của con cái (nếu quả thật các bạn còn thông cảm với nhau, thương nhau, yêu nhau). Hoặc các bạn nên sớm chia tay nếu trong lòng không còn lại chút gì là tình nghĩa. Ít ra trong trường hợp này, con trai của các bạn vẫn đỡ đau khổ hơn khi người ta cố tình truy tìm tông tích của cháu.