Khi bị loét bờ cong nhỏ dạ dày

“Mẹ em đau bụng vùng dưới xương mỏ ác đã lâu, năm kia đã được bác sĩ cho chụp X-quang dạ dày, chẩn đoán là loét bờ cong nhỏ và khuyên vào nằm viện để mổ luôn, nhưng mẹ em ngần ngại. Gần đây đau tăng, không ăn uống gì được nên mẹ em muốn mổ, thì gia đình chúng em lại lo lắng vì sức khỏe sút kém nhanh của mẹ”.

Tình hình không còn đơn giản như hai năm trước đây, cho nên khi em nhận được thư riêng của tòa soạn hay đọc giải đáp này trên báo, em nhớ giữ kín đừng cho mẹ biết nhé!

Về thuật ngữ y học, khi nói đến bệnh dạ dày (bao tử), một số thầy thuốc và kỹ thuật viên thường nói gộp “dạ dày – tá tràng” (do chỗ phần cuối dạ dày nối vào hành tá tràng, trông giống tựa như củ hành). Vì nói gộp “hội chứng dạ dày tà tràng”, “viêm loét dạ dày tá tràng” nên nội dung khá mơ hồ và nhất là dễ gây ngộ nhận cho bệnh nhân cũng như gia đình họ.

Thực tế thì tuy cùng là loét, cùng gây đau ở vùng thượng vị, nhưng loét dạ dày khác loét hành tá tràng về triệu chứng lâm sàng, diễn biến và tiên lượng bệnh.

Nói chung, loét hành tá tràng gây đau bụng lúc đói, ăn vào thì đỡ, không bị ung thư hóa; còn loét dạ dày gây đau khi no, nôn hết ra hoặc tiêu hóa xong thì đỡ, thường có nguy cơ bị ung thư hóa, nhất là khi loét ở phần đứng của bờ cong nhỏ dạ dày.

Vị bác sĩ khuyên mẹ em “vào nằm viện để mổ luôn” rất có lý, tiếc rằng chúng ta đã bỏ lỡ mất cơ hội. Rất nhiều khả năng ổ loét dạ dày của mẹ đã bị ung thư hóa theo quy luật diễn tiến của nó.

Trước tiên, phải cho mẹ em vào vào điều trị nội trú tại một bệnh viện có các phẫu thuật viên vững tay nghề và giàu kinh nghiệm. Còn triển vọng có mổ được nữa hay không sẽ do bệnh viện quyết định sau khi có đầy đủ cứ liệu.

Tuy nhiên, có hai điểm mà gia đình em cần nắm rõ để có thể chủ động trong từng tình huống: – Nếu loét ung thư hóa ở phần ngang của bờ cong nhỏ (điềumay mắn), các bác sĩ phải cắt tới 3/4, thậm chí 4/5 dạ dày (trường hợp loét đơn thuần chì chỉ cắt 2/3). – Nếu loét ung thư hóa ở phần đứng của bờ cong nhỏ, phải cắt rộng hơn, thậm chí phải cắt toàn bộ dạ dày rồi đem một đoạn ruột non lên nối với phần cuối của thực quản; đây là một phẫu thuật nặng nề và có thể bị bục miệng nối, gây tử vong sau mổ. – Nếu bệnh viện từ chối mổ, hoặc là các bác sĩ, sau khi trực tiếp sờ nắn tổn thương, thấy không còn khả năng phẫu thuật, thì điều đó chứng tỏ ung thư đã lan rộng.