Khi muốn làm tiếp viên hàng không
“Cháu muốn trở thành nữ tiếp viên hàng không nhưng nghe nói bay trên cao dễ bị nhiễm phóng xạ. Xin giải thích rõ điều này và những vấn đề khác liên quan đến sức khỏe trong các chuyến bay xa”.
Mỗi người sống trên mặt đất hằng năm hấp thu một liều phóng xạ khoảng 1 milisiviert (1 mSv) do phải thường xuyên tiếp xúc với các bức xạ ion hóa từ vũ trụ, từ các đồng vị phóng xạ hiện hữu trong không khí, nước, đất…(trong đó, phần từ vũ trụ chiếm hơn 1/4).
Càng lên cao, bức xạ càng lớn. Ở độ cao 6.000-8.000 m, bức xạ tăng tới 55-70 lần. Do đó, càng bay cao, bay lâu, con người càng phải hấp thu liều phòng xạ lớn hơn. Chỉ trên một chuyến bay trong 12 giờ từ Paris đi Tokyo, mỗi hành khách đã phải hấp thu 0,20-0,25 mSv. Theo Tổ chức phòng vệ phóng xạ thế giới, liều hấp thu phóng xạ cho phép hằng năm của người bình thường là 1 mSv, của người làm nghề có liên quan đến phóng xạ là 20 mSv.
Một công trình nghiên cứu tại Đức cho thấy, các phi công và tiếp viên hàng không thâm niên của nước này có hiện tượng biến đổi bất thường ở nhiễm sắc thể, giống như ở người nhiễm xạ. So với những người làm việc trong nhà máy điện nguyên tử, họ hấp thu một liều bức xạ cao gấp 5 lần.
Cũng theo công trình trên, khi xem xét 23 triệu hành khách của Hãng hàng không Lufthansa, các nhà nghiên cứu thấy trung bình mỗi năm có khoảng 140 người chết vì ung thư do nhiễm xạ, một con số cao hơn tử vong vì tai nạn máy bay.
Như vậy, không chỉ phi công và tiếp viên hàng không mà cả những khách hàng thường xuyên của các hãng hàng không cũng phải hấp thu một liều bức xạ lớn hơn nhiều so với khi ở trên mặt đất.
Đó là chưa kể đến trường hợp hấp thu phóng xạ khi tiến hành kiểm tra hành lý bằng tia X, sử dụng các nguồn bức xạ gamma do yêu cầu của thiết bị kỹ thuật, hay vận chuyển trái phép các nguồn phóng xạ… Hàng không, vì vậy, không phải là một ngành “dễ chịu” như ta vẫn tưởng khi chỉ nhìn bộ cánh hấp dẫn của tiếp viên, trang phục sáng ngời của phi công, khi hình dung ra cảnh phiêu diêu trên chín tầng mây và số lương kha khá.
Khi phải qua nhiều múi giờ, cơ thể người đi máy bay trải qua những thay đổi về đồng hồ sinh học, làm ảnh hưởng đến não. Giữa năm 2001, một nghiên cứu của Anh trên tiếp viên những chuyến bay qua hơn 7 múi giờ cho thấy, ở nhóm chỉ được nghỉ 5 ngày giữa hai chuyến bay, thùy thái dương phải của não bị teo nhỏ, kèm theo rối loạn ghi nhớ và tiếp nhận; còn nhóm nghỉ 14 ngày vẫn bình thường.
Ngoài ra, khi bay đường dài, những ai ngồi quá lâu một chỗ mà không vận động sẽ dễ bị viêm tắc tĩnh mạch chi dưới, có thể dẫn đến nguy cơ tắc huyết, gây tử vong.