Kim loại đen có phải thực sự có màu đen không?

Kim loại là một gia đình lớn. Trong thiên nhiên có đến 86 nguyên tố kim loại. Thông thường người ta chia kim loại thành hai loại lớn: Kim loại đen và kim loại màu. Thuật ngữ kim loại đen làm nhiều người lầm tưởng rằng kim loại đen ắt phải có màu đen. Thực sự không phải như vậy.

Trong số 86 nguyên tố kim loại có 3 kim loại được gọi là kim loại đen gồm: sắt, mangan, crom… Ba kim loại này không hề có màu đen. Sắt tinh khiết có màu trắng bạc, mangan có màu trắng bạc, còn crom có màu trắng xám.

Tên gọi kim loại đen do sắt dễ bị oxy hoá biến thành oxit sắt từ Fe3O4 hoặc oxit sắt ba có màu nâu, trông như có màu đen. Người ta thường nói “công nghiệp luyện kim đen” chủ yếu nói về công nghiệp gang thép. Người ta thường thấy trong hợp kim, thép thường có hai kim loại mangan và crom nên người ta gộp chung mangan, crom là thuộc nhóm kim loại đen.

Trừ sắt, mangan, crom, các kim loại khác được gọi là kim loại màu.

Trong các kim loại màu lại có cách phân loại theo khối lượng riêng (tỉ trọng). Ví dụ theo khối lượng riêng, người ta xếp các kim loại có khối lượng riêng nhỏ hơn 5 là nhôm, magie, liti, natri, kali là “kim loại nhẹ”, còn các kim loại đồng, kẽm, niken, thủy ngân, thiếc, chì…. có khối lượng riêng lớn hơn 5 nên được gọi là các kim loại nặng. Các kim loại như vàng, bạc, bạch kim, osmi, iriđi… thuộc loại “kim loại quý”. Các kim loại rađi, urani, thori, poloni có tính phóng xạ nên được gọi là “kim loại phóng xạ”. Các kim loại niobi, tantan, ziriconi, vàng, lutexi, rađi, crom, urani… vì có hàm lượng thấp trong vỏ Trái Đất nên được gọi là “kim loại hiếm”.

Từ khoá: Kim loại đen; Kim loại màu.