Làm gì khi dị ứng với bia rượu

Em là con trai nhưng không thể nào uống được bia rượu (1 lon bia là đỏ mặt tía tai, 3-4 lon thì nổi mẩn ngứa khắp người, kéo dài khoảng 5-7 ngày). Nhưng em lại muốn biết uống để được thuận lợi trong giao tiếp, hay ngay trong đám cưới của mình khi mọi người hô “zdô, zdô” bắt chú rể uống. Xin cho biết có cách gì làm cho hết dị ứng đối với bia rượu không? 1. Con người cổ xưa rất khoái chất “tửu”, nhất là các qúy ông (nam vô tửu như kỳ vô phong = trai không rượu như cờ không gió), nhưng cuối cùng giật mình vì nó hủy hoại dần các tế bào gan, chưa nói chuyện con cái sinh ra thường kém phát triển trí tuệ, thậm chí hay mắc bệnh tâm thần… Khi các danh y lên tiếng cảnh báo về hậu hoạ thì đã muộn: thói quen uống rượu đã lan tràn, đến nỗi trước đây có lần chính quyền Hoa Kỳ đã công bố bệnh cấm rượu, tốn bao công sức để dẹp bỏ thói uống rượu, mà cuối cùng đành thúc thủ.

Điều khó hiểu là: Mặt người uống nhiều bia rượu đỏ gay chẳng đẹp đẽ gì, miệng họ sặc mùi cồn không thơm tho chút nào, giọng nói thiếu tự nhiên của họ chẳng có gì đáng tin cậy, bản thân họ có thể không biết những điều đó, nhưng tại sao chúng ta tuy thấy chướng mà vẫn không sớm nói cho họ hay? Phải chăng vì chúng ta đang phải sống trong một bầu không khí nhậu nhẹt tràn lan, đến nỗi một sinh viên y dược chững chạc như em cũng muốn “có tài nhậu nhẹt”, dù trời đã cấm? 2. Em sẽ được các thầy giảng về dị ứng (= phản ứng dị thường) cùng các phương pháp giải tỏa mẫn cảm để chữa các bệnh ho dị ứng. Chẳng hạn dùng phấn hoa cho người nghi bị dị ứng do phấn hoa, dùng các hạt bụi cho người nghi dị ứng do bụi, v.v. Việc này phải thận trọng với liều ban đầu rất nhỏ, tăng dần và theo dõi sát sao. Các phấn hoa, chất bụi này (gọi là dị ứng nguyên) sẽ tập dần cho cơ thể quen với chúng, đến mức không còn dị ứng, nghĩa là hết mẫn cảm đối với dị ứng nguyên và khỏi bệnh.

Nếu vô ý đưa vào một lúc một lượng lớn dị ứng nguyên, thì tác dụng sẽ ngược lại: không phải giải tỏa mẫn cảm, mà lại gây ra phản ứng qúa mẫn cảm nguy hiểm đến tính mạng (sốc phản vệ).

Có thể em nghĩ sẽ dùng bia rượu để chữa của mình? Chớ, bởi vì giới hạn giữa “liều lượng giải tỏan mẫn cảm” và “liều lượng gây chóang phản vệ” khá mong manh, nên có thể sai một ly đi một dặm. “Liều mạng” như vậy chỉ nhằm trở thành “siêu nhậu” là chuyện không nên. Đời các em còn bao nhiêu việc hay, việc tốt, việc tuyệt vời đáng làm và cần làm. 3. Khi ai đó mời uống bia rượu, em cứ hồ hởi cụng ly nước ngọt của mình với họ và nói: “Xin lỗi, tôi không biết uống”. Lúc đó, nếu bên cạnh có “nàng”, em sẽ thấy nàng sung sướng biết bao, bởi nếu không, nụ hôn của em sẽ sặc mùi cồn trước khi em ngủ li bì rồi cứ thế gãi sồn sột khắp người suốt cả tuần như thư em nói. Vả chăng, câu xin lỗi không có lỗi của em có thể làm cho người mời nhập nghĩ lại phần nào. 4. Nếu có dịp ra nước ngoài, thì mỗi lần bồi bàn đưa thức uống, em phải nói rõ là em bị dị ứng bia rượu, thậm chí phải viết ra giấy như có người phương Tây bị dị ứng đậu phộng (lạc) đã làm khi sang thăm nước ta.