Vì sao không nên trộn hai loại mực khác nhau?

Nhiều người khi đổi loại mực thường rửa sạch bút trước khi hút mực mới. Vì người ta biết rằng khi trộn hai loại mực khác nhau thường xuất hiện kết tủa, thậm chí làm cho mực mất màu.

Thông thường thì mực màu xanh đen là tanin – sắt (II) sunfat và loại phẩm màu xanh, chế tạo thành phẩm dung dịch keo. Trong dung dịch này, có các hạt keo tích điện giống nhau. Theo nguyên tắc “điện tích cùng dấu đẩy nhau, khác dấu hút nhau”, các hạt tích điện cùng dấu đẩy nhau, nên không tạo nên các hạt lớn và tạo nên kết tủa. Nếu trộn hai loại mực sản xuất từ cùng loại nguyên liệu thì các hạt keo sẽ tích điện cùng tên nên không tạo kết tủa. Với các loại mực dùng loại nguyên liệu khác nhau, sẽ tạo những hạt keo có điện tích khác nhau. Khi trộn hai loại mực khác nhau với nhau, các hạt keo tích điện trái dấu sẽ hút lẫn nhau, tạo thành hạt lớn hơn và xuất hiện kết tủa. Trong bình mực sẽ xuất hiện nhiều cặn. Ví dụ loại mực thuần màu xanh được chế tạo bằng phẩm màu axit, nếu gặp loại phẩm màu xanh đen họ kiềm, hoặc ngược lại phẩm màu xanh đen là kiềm gặp phẩm màu axit, sẽ nhanh chóng xuất hiện kết tủa. Việc xuất hiện kết tủa không chỉ gây hiện tượng tắc mực khi viết mà còn làm nhạt màu.

Khi đã hiểu rõ điều này chắc bạn đã biết lý do không nên trộn hai loại mực khác nhãn hiệu với nhau làm một. Khi đã hết mực, cần thay mực, tốt nhất nên dùng nước sạch rửa sạch bút rồi mới thay loại mực khác để tránh hiện tượng tạo kết tủa, ảnh hưởng độ bền của bút.

Từ khoá: Mực nước.