Vì sao pháo hoa lại có nhiều màu?

Vào những đêm lễ hội, khi tai ta nghe tiếng nổ đùng đoàng thì trên trời cao xuất hiện các vầng sáng muôn hình muôn vẻ, màu sắc khác nhau. Các vầng sáng pháo hoa như muốn cùng đám đông đang nô nức ca múa trên mặt đất hoan hô ngày lễ hội.

Các vầng sáng pháo hoa tuyệt đẹp kèm theo tiếng nổ to như tiếng pháo tre vừa bay lên cao vừa phóng ra các tia lửa nhiều màu.

Trông bề ngoài, pháo hoa có hai phần: Phần dưới giống như một ống tre to, đầu trên có một quả cầu tròn. Phần dưới chứa thuốc nổ đen, có ngòi dẫn hoả. Khi phóng pháo hoa, người ta châm lửa đốt ngòi rồi nhanh chóng cho vào ống phóng. Dây dẫn hoả sẽ đưa lửa vào đốt thuốc phóng là thuốc nổ đen ở phần dưới. Khi thuốc phóng cháy sẽ sinh ra một lượng lớn các chất khí và nhiệt lượng tạo nên lực phóng đưa quả pháo lên tận tầng mây. Đồng thời lửa cháy cũng bén vào thuốc cháy ở phần hình cầu của quả pháo.

Ở đầu hình cầu của quả pháo có chứa thuốc cháy, thuốc trợ cháy, thuốc phát sáng và thuốc cháy phát màu.

Thuốc cháy cũng là thuốc nổ đen. Khi thuốc nổ đen cháy cũng phát ra lượng nhiệt lớn và ánh sáng, nhờ đó cũng đốt cháy thuốc phát sáng và thuốc phát màu làm cho quả pháo nổ tung, chất phát quang bắn ra bốn phương, tám hướng.

Thuốc trợ cháy do kali nitrat, bari nitrat… tạo ra. Khi kali nitrat, bari nitrat bị đốt nóng sẽ cho thoát ra lượng lớn khí oxy khiến cho sự cháy xảy ra mãnh liệt.

Chất phát quang thường dùng là bột các kim loại nhôm, magie. Bột các kim loại này cháy rất mạnh và phát ra ánh sáng trắng loá mắt. Sau khi pháo hoa cháy, ta thấy trên trời cao xuất hiện các đám khói trắng chính là do các kim loại sau khi cháy đã tạo các oxit như nhôm oxit, magie oxit là những chất bột màu trắng.

Chất phát màu là chủ điểm của quả pháo hoa. Pháo hoa sở dĩ nổ cho nhiều màu là nhờ chất phát màu. Chất phát màu không có gì là bí mật, chúng chỉ là các hợp chất hoá học là muối của nhiều kim loại khác nhau. Ví dụ muối natri nitrat và natri hyđro cacbonat khi bốc cháy cho màu vàng, stronti nitrat cho ánh sáng màu đỏ, bari nitra phát ánh sáng màu lục. Đồng cacbonat, đồng sunfat khi cháy phát ánh sáng màu lam. Bột nhôm, bột magiê cho ánh sáng màu trắng. Mỗi kim loại, ở nhiệt độ cao, sẽ cháy phát ra ánh sáng màu của riêng mình.

Ngoài việc dùng “các chất màu” để tạo nên vẻ kỳ diệu của pháo hoa, người ta còn cho chất màu vào các viên đạn vạch đường, các viên đạn pháo, pháo hiệu: Khi có sóng to gió lớn trên biển cả, pháo hiệu màu đỏ báo tín hiệu cấp cứu. Trên sa mạc lúc bị lạc đường người ta phát pháo hiệu để hỏi đường, cấp cứu. Trên chiến trường các pháo hiệu màu khác nhau là truyền tín hiệu cho các mệnh lệnh quân sự khác nhau.

Ngoài ra, chính nhờ các ánh sáng màu khác nhau của các kim loại khi bị đốt cháy người ta đã phát minh phương pháp phân tích quang phổ để phân tích hàm lượng các chất trong đất đá.

Từ khoá: Pháo hoa; Phản ứng cháy có màu.