Báo động về điện thoại di động

“Chồng em giao thiệp rộng, định sắm thêm một máy điện thoại di động. Em đọc báo thấy nói việc sử dụng máy này nhiều có thể gây ung thư não, nên chưa muốn cho anh ấy mua. Xin cho chúng em một lời khuyên”.

Sau khi máy điện thoại di động (ĐTDĐ) ra đời ít lâu, các nhà khoa học đã nghi ngờ về sự nguy hiểm của nó, vì nó phát ra các tần số radio không lợi cho cơ thể.

Giữa năm 1977, qua thực nghiệm trên chuột, người ta phát hiện ra tính dễ gây ung thư bạch huyết của ĐTDĐ, nhưng chưa thấy biểu hiện ở người.

Một nghiên cứu ở Australia năm 1998 cho thấy, từ năm 1982, tỷ lệ ung thư não tăng 50% ở nam và 63% ở nữ, nguyên nhân có thể là do sử dụng ĐTDĐ. Nước này buộc phải triển khai việc nghiên cứu vấn đề ĐTDĐ với Pháp, Italy, Anh, Canada và các nước Bắc Âu.

Cuối năm 1998, Anh công bố một nghiên cứu cho thấy, ĐTDĐ làm giảm trí nhớ, gây trở ngại cho việc tập trung tư tưởng và cảm nhận không gian, do tác động của trường điện từ mà ĐTDĐ phát ra. Đầu năm 1999, ở Đức, các nhà khoa học phát hiện ĐTDĐ tác động lên huyết áp của người sử dụng 5 lần/24 giờ, mỗi lần 35 phút liên tục.

Theo một nghiên cứu ở Pháp, cùng với sự gia tăng số người sử dụng ĐTDĐ, có một sự gia tăng tỷ lệ ung thư não: năm 1975 có 2.300 trường hợp, năm 1995 lên tới 4.700. Các nhà khoa học Pháp còn đặt vấn đề liệu có nên ghi trên ĐTDĐ dòng chữ cảnh báo “Tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe” hay không. Giữa năm 2001, Bộ y tế Pháp đưa đơn ra khuyến cáo nên thận trọng khi sử dụng ĐTDĐ: – Không nói chuyện lâu khi máy nghe không rõ (sức thu kém, do đó máy phải tăng công suất). – Sử dụng loại máy có che tai (để bớt năng lượng hấp thu qua da). – Không đặt máy vào những vùng nhạy cảm (thiếu niên hay nhét máy vào túi quần, thai phụ thì nhét trước bụng, gần cơ quan sinh dục). – Hạn chế trẻ em dùng ĐTDĐ.

Một thực tế hiển nhiên là, do lợi nhuận đặc biệt cao, các nhà sản xuất ĐTDĐ đã vội vã tung các sản phẩm mới ra thị trường mà chưa nghiên cứu thật kỹ càng để phát hiện mặt nguy hại của nó.

Mặc dù cho đến nay, khoa học vẫn chưa khẳng định được ĐTDĐ có gây ung thư hay không, nhưng trước những lời cảnh báo của các nhà nghiên cứu, người ta đã chế tạo những ĐTDĐ có tai nghe để tránh tác động lên não.

Còn chuyện gia đình các em cụ thể ra sao, tự các em phải xử lý cho đúng mức. Hy vọng rằng những số liệu khoa học nêu trên có thể giúp cho đầu óc con người tỉnh táo ra, để tránh việc lạm dụng ĐTDĐ.