Tại sao phải cắt đoạn dạ dày cấp cứu?
“Con trai tôi 32 tuổi, kêu đau bụng vùng mỏ ác khoảng một năm thì bị thủng dạ dày, phải đi mổ cấp cứu. Cháu đã ra viện và cho biết bị thủng ổ loét bờ cong bé, được mổ cắt đoạn dạ dày ngay trong đêm vào viện. Thấy cháu bình phục, tôi rất mừng, nhưng vẫn băn khoăn sao phải cắt dạ dày sớm vậy, tưởng thủng thì chỉ khâu chỗ thủng thôi?”.
Thông thường, khi gặp thủng ổ loét tá tràng, bác sĩ chỉ tiến hành khâu lỗ thủng, lau sạch ổ bụng, đặt ống dẫn lưu, rồi đóng bụng lại. Trước khi ra viện, họ dặn bệnh nhân “nếu tiếp tục đau thì sau ít nhất 6 tháng phải trở lại để cắt đoạn dạ dày”.
Sở dĩ họ làm như vậy là vì: – Một số trường hợp khâu xong thì khỏi luôn, bệnh nhân không đau lại; đó là trường hợp loét chưa lâu năm, bờ ổ loét còn tương đối mềm mại. – Thời gian 6 tháng cho phép ổ bụng ổn định lại, các chỗ dính giữa quai ruột bớt đi nhiều. Nếu mổ sớm hơn, sẽ gặp nhiều tổ chức dính hơn, gây khó khăn cho tiến trình mổ cũng như giai đoạn sau mổ. – Khi dạ dày bị thủng, chất dịch và thức ăn tràn ngập ổ bụng, vì vậy chỉ xử trí tối thiểu như trên là an toàn nhất.
Tuy nhiên, có những tình huống buộc bác sĩ mổ phải cân nhắc lợi hại, có thể phải “mạnh tay hơn” thì mới đem lại kết quả cao nhất cho bệnh nhân. Đó là khi gặp phải một số tình huống như sau: – Vừa thủng dạ dày vừa chảy máu dạ dày (tổn thương mạch máu ngay tại chỗ thủng). Việc cứng nhắc, chỉ tiến hành khâu không thôi thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân (nếu như máu vẫn tiếp tục chảy, chữa không cầm thì lại phải mở ổ bụng để cắt đoạn dạ dày, khiến bệnh nhân mất thêm nhiều máu). – Thủng ổ loét bờ cong bé: Loét bờ cong bé thường có khuynh hướng ung thư hóa. Nếu chỉ khâu lỗ thủng rồi chờ 6 tháng e không kịp, bởi lẽ, nếu đã ngấm ngầm có hiện tượng ác tính hóa thì cuộc mổ ấy sẽ thúc cho tiến trình đó nhanh lên gấp bội. Mà mổ lại trước 6 tháng sẽ khó hơn vì chưa thật ổn định. – Chỉ thủng ổ loét tá tràng, nhưng là một ổ loét lâu năm và xơ chai; nếu chỉ khâu không thôi sẽ dễ gây hẹp làm cản trở lưu thông (hẹp môn vị), chỗ khâu có nguy cơ bị bục.
Trong những tình huống nói trên, nếu tình trạng bệnh nhân tốt, ổ bụng tương đối sạch…, bác sĩ sẽ tiến hành mổ cắt đoạn dạ dày luôn. Và khi mổ, nếu xét thấy đã có dấu hiệu ác tính hóa, bác sĩ còn phải cắt rộng hơn (3/4 thay vì 2/3 dạ dày như thường lệ).
Như vậy, trường hợp con trai bác rơi vào tình huống sau cùng, và dù sao cháu cũng may mắn đã gặp được vị bác sĩ có đầu óc tỉnh táo, hết lòng vì bệnh nhân v kỹ thuật mổ tốt; xung quanh vị đó có những bác sĩ phụ mổ ăn ý, kíp gây mê hồi sức trực có trình độ. Bởi lẽ mổ cắt dạ dày cấp cứu thường không được thuận lợi như mổ theo kế hoạch hằng tuần.