Tại sao tang phục lại là màu đen?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 2 – Arkady Leokum

Nhiều ngươi Âu Mỹ cứ nghĩ lối sống của họ là độc nhất. Bởi vậy, khi biết về những nền văn minh khác, họ thường cho là “chướng”, là “kỳ quái” hay ít nhất thì họ cũng “lấy làm lạ”. Khi có tang, người Âu Mỹ thường mặc đồ đen. Ở những nơi khác, những nền văn minh khác thì sao?

Ở Trung Quốc, Nhật Bản (và Việt Nam nữa – ND) tang phục lại là màu trắng. Và ở một vài nơi bên châu Phi, tang phục là màu đỏ. Theo truyền thống Âu Mỹ thì màu đen là cách thức hay nhất để thể hiện nỗi buồn. Nhìn một người mặc y phục màu đen, ta thấy họ buồn rầu ủ ê. Do đó, người Âu Mỹ cho rằng màu đen thật thích hợp với tang tóc. Nhưng có bao giờ người Âu Mỹ tự hỏi tại sao họ lại mặc tang phục? Mặc tang phục để biểu hiện lòng tôn kính, nhớ thương người đã khuất. đó là câu trả lời thông thường khi người ta hỏi một người mặc đồ tang. Tuy nhiên, truy nguyên việc mặc tang phục, các học giả cho ta nhiều câu trả lơi thú vị hơn nhiều. Nguyên thủy của tang phục chỉ là quần áo thường nhưng lộn trái ra. Nói khác đi, đó là cách ngụy trang. Người thời xưa phải ngụy trang như vậy vì họ tin và sợ rằng thần chết đã bắt người nhà của họ sẽ quay trở lại tìm và bắt họ. Lối giải thích này xem ra có vẻ gượng gạo nếu không có những người – cho đến tận ngày nay – vẫn còn làm đúng như vậy. Ở nhiều bộ lạc còn bán khai trên thế giới, khi trong nhà có người chết, thì vợ (chồng) và người thân mặc đủ thứ ngụy trang. Có khi họ trét sình, trét đất lên áo quần, quấn lá quấn cỏ lên áo quần… Ở vài bộ lạc khác, người vợ để tang chồng bằng cách quấn kín thân thể mình bằng tấm mạng mỏng.

Có lẽ tang phục màu đen xuất từ cái ý tưởng tìm cách hù dọa đặng xua đuổi và đồng thời lẩn tránh tà thần. Có nhiều tập tục tang chế liên quan đến sự sợ hãi các tà thần. Chẳng hạn như tập tục “có một thời gian cư tang”. Trong thời gian này người có tang ngưng mọi hoạt động thường nhật như kinh doanh chẳng hạn.

Có vô số cách cư tang mà các dân tộc sơ khai và thời cổ đã áp dụng để “rút lui” khỏi đời sống xã hội khi trong gia đình có người quá cố. Có nhiều trường hợp, người đàn bà phải cư tang trọn quãng đời còn lại của mình sau khi chồng chết. Sự cư tang có thể xuất phát từ ý tưởng tránh “lây truyền” thần chết sang cho người thuộc các gia đình khác.