Thừa sắt lợi hay hại
“Tôi còn nhớ trước đây cơ quan dược phẩm ở phía Bắc có sản xuất viên sắt dùng cho người thiếu máu, vì sao hiện nay không thấy bán? Con gái đầu lòng của tôi có thai lần đầu, tôi muốn cháu có thêm chất sắt cho khỏe cả con lẫn mẹ”.
Đầu tiên, xin trao đổi với bác về chuyện thai nghén. Ta hay nghĩ giản đơn và lệch lạc là hễ có thai thì cái gì ít nhất cũng phải “gấp đôi”, phải thuốc men, tẩm bổ, dù tốn kém mấy cũng vui lòng, để được mẹ tròn con vuông.
Trong khi đó, khoa học lại thấy rằng cơ thể của thai phụ và thai nhi biết cách điều chỉnh hợp lý để con phát triển bình thường mà không gây hại cho mẹ. Vì vậy, người có thai chỉ cần ăn uống đủ chất đều đặn bình thường là đủ. Tuy nhiên, để dự phòng khi chế độ ăn thiếu một số vitamin tối cần cho thai, người ta khuyến cáo thai phụ nên dùng thêm 2 vitamin chính: – Vitamin B9, tức axit folic, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ống thần kinh ngay từ những ngày đầu của thai, uống liên tục trong thời gian thai nghén, 500 microgram/ngày. – Vitamin D, cần cho sự phát triển xương, uống từ tháng thứ 7 trở đi, 100.000 IU/ngày.
Về chất sắt, trước đây do nhận thức sai, ta hay “vỗ sắt” cho các chị em có thai, do đó bắt ép họ ăn nhiều gan đến phát khiếp (gan chứa nhiều sắt hơn thịt). Trong chuyện này, người thầy thuốc dạo trước cũng có lỗi vì cho rằng sắt chỉ có mặt tích cực.
Một công trình nghiên cứu của Italy, tiến hành trên 826 người lớn cả nam lẫn nữ, tuổi từ 40 đến 79, đã cho thấy rõ mối liên quan giữa đậm độ sắt trong máu và tốc độ tiến triển của chứng xơ vữa động mạch. Nghiên cứu khẳng định rằng, việc thừa sắt sẽ có hại cho tim mạch.
Người ăn quá nhiều thịt lợn, thịt bò, người dùng đa sinh tố với liều quá cao… thường xuyên đưa vào cơ thể một lượng sắt lớn, chẳng những không ích lợi gì mà còn có hại. Cuối năm 1997, Đoàn bác sĩ phụ sản quốc tế của Pháp đã tuyên bố chống lại việc sử dụng sắt đồng loạt cho thai phụ.