Tràn dịch màng tinh hoàn

“Cháu cảm thấy hai tinh hoàn bị đau, một bên to nặng lên, bên kia hơi nhỏ lại. Có bạn bảo rằng nếu bị sa đì hay lệch tinh hoàn thì về sau không có con và có thể nguy hiểm đến sức khỏe”.

Vì cháu nói thiếu chi tiết nên chỉ có thể dự đoán mấy khả năng: – Tràn dịch màng tinh hoàn (tinh hoàn vẫn bình thường, nhưng xung quanh nó có chất dịch bất thường). Nếu đúng vậy thì khối này căng nhưng ấn nhẹ không đau, chỉ thấy tưng tức, có cảm giác như khi ấn vào một quả bóng hơi. Mức lớn nhỏ không thay đổi trong ngày. Để một đèn pin phía sau sẽ thấy vầng lên một màu hồng xung quanh (chất dịch), ở giữa đậm hơn (tinh hoàn). Trước mắt, cháu mặc xì líp giúp nâng nó lên cho đỡ vướng, tức. Khi có điều kiện, cháu xin được phẫu thuật lộn màng tinh hoàn (gây tê, chừng một tuần là lành vết mổ và tinh hoàn này vẫn tiếp tục tốt như hiện nay).

Còn tinh hoàn bên kia, có thể nó vẫn bình thường nhưng do kết quả so sánh sai lạc nên cháu tưởng là nó nhỏ đi. – Thoát vị bẹn. Nội dung chỗ to lên đó thường là ruột, khi ấn vào thấy mềm, đi lại nhiều thì to hơn, nghỉ ngơi hoặc dùng tay đẩy lên thì hết; và dĩ nhiên soi đèn pin không thấy hình ảnh như mô tả ở trên. Thoát vị bẹn cũng có chỉ định phẫu thuật; người ta sẽ tái tạo thành bụng. Mổ dưới gây tê khu vực, ít khi phải gây mê. Trong khi chưa có điều kiện mổ, phải dùng mấy lớp băng áp vào “lỗ” thoát vị và đeo xì líp chặt; chú ý đẩy ruột lên ngay nếu nó tụt xuống, để ngừa biến chứng tắc ruột, rất nguy hiểm.

Cả hai trường hợp trên (tràn dịch màng tinh hoàn và thoát vị bẹn, mổ hoặc chưa mổ) đều không ảnh hưởng đến hoạt động tình dục và sinh con cái. – Viêm tinh hoàn: Tinh hoàn sưng lên, ấn vào thấy chắc nịch và đau. Sẽ ảnh hưởng đến đường con cái nếu cả hai tinh hoàn cùng bị mà chữa trị không tốt.

Dù bận mấy cháu cũng nên đi khám để khỏi canh cánh bên lòng một chuyện hệ trọng như vậy.