Vì sao ngói lưu ly và gương Cảnh Thái lại có màu sắc rực rỡ?

Khi đi tham quan các công trình kiến trúc cổ, ta thường bị mái ngói lưu ly của các công trình đó lôi cuốn. Mặc dù trải qua dãi dầu mưa nắng một thời gian dài, nhưng mái ngói lưu ly vẫn giữ sắc màu rực rỡ như thời xa xưa. Khi chúng ta đi thăm các gian hàng công nghệ phẩm, chúng ta sẽ bị các tấm gương Cảnh Thái trong các tủ hàng làm cho mê mẩn không rời ra được.

Từ mấy nghìn năm trước, người Trung Quốc cổ đại đã biết đất sét là loại nguyên liệu dẻo, chịu lửa, từ đó phát minh ra đồ gốm. Qua nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật thời cổ đại, dần dần người xưa đã khắc phục được tính thẩm lậu nước của đồ gốm và tăng cường được vẻ đẹp của đồ gốm. Người ta phủ lên đồ gốm một lớp men màu, sau đó lại tiếp tục nung và tạo được loại đồ gốm có phủ men. Đồ gốm ba màu nhà Đường (Đường Tam Thái) là đại biểu cho loại gốm này còn lưu truyền cho đến ngày nay. Nguyên liệu để chế tạo men màu là các oxit kim loại được phủ lên bề mặt đồ gốm sau đó đem nung. Các oxit kim loại khi nung ở nhiệt độ cao sẽ nóng chảy tạo thành một lớp màng bóng, phủ kín trên bề mặt đồ gốm. Các hạt nhỏ oxit kim loại trong lớp men sẽ hấp thụ một phần ánh sáng chiếu vào và phản xạ phần ánh sáng còn lại làm cho đồ gốm có màu sắc khác nhau đẹp mắt. Trên ngói lưu ly cũng có phủ lớp men theo kỹ thuật tương tự: Người ta phủ lên ngói một lớp men, sau đó qua nung sẽ tạo được ngói lưu ly.