Cây hẹ

“Tôi thấy dân gian hay dùng lá hẹ chữa một số bệnh. Xin cho biết khoa học đã xác định được tác dụng của cây hẹ chưa? Có phải trong nam gọi hẹ là nén không?”.

Tại vùng trung Trung Bộ có củ nén, hơi giống củ hành tăm ngoài Bắc nhưng mùi hắc, không thơm bằng hành tăm, củ tròn, to và chắc hơn; chúng tôi chưa tìm được tài liệu nghiên cứu về củ nén.

Về cây hẹ, ở Trung Quốc từ hơn 50 năm nay đã có một số nghiên cứu khá sâu, cho thấy: Nước ép hẹ tươi chứa chất odorin, có tác dụng diệt tụ cầu vàng và một số vi khuẩn gây bệnh đường ruột, kể cả thương hàn và lỵ. Tác dụng trên sẽ mất hoàn toàn nếu nước ép được đun nóng.

Ở nước ta, nhân dân thường dùng hẹ (lá, rễ, củ) chữa ho trẻ em, giúp tiêu hóa tốt, bổ gan, chữa lỵ, giun kim… Liều dùng hằng ngày 20-30 g (trộn đường, hấp cơm hay đun cách thủy). Hạt của cây hẹ (cửu tử, cửu thái tử) được dùng chữa mộng tinh, mỏi gối, đau lưng… với liều 6-12 g (nước sắc) mỗi ngày.