CHƯƠNG III: Các nền văn hóa tình dục

Ngay cả đến John Major cũng có vết nhơ, mặc dù dân chúng gán cho ông biệt danh là “tên xám xịt” vì ông quá đần độn và từng bị châm biếm trên chương trình truyền hình “Hình ảnh đáng phỉ nhổ” với hình tượng một chú rối màu xám xịt ngồi ăn đậu cùng vợ mình. Bê bối của ông ta bị phát hiện khi nhật ký của Edwina Currie, cựu Bộ trưởng Bộ Sức khỏe, bị phơi bày, trong đó ghi rõ chuyện quan hệ gian díu suốt 4 năm trời với Major trong những năm 80.

Tôi hẹn gặp Currie ở London tại một nhà hàng gần Trạm xe điện Victoria để tìm hiểu về những bài báo lá cải của Anh và văn hóa tình dục nó đề cập tới. Currie hiện nay đã 59 tuổi, bà không những từng dính líu đến một vụ bê bối tình dục có liên quan đến thủ tướng mà còn từng mất ghế quốc hội vào năm 1997, từ đó bà bắt đầu sự nghiệp viết tiểu thuyết về các vụ xì-căng-đan tình dục của giới chính trị. Currie không phải thuộc tuýp các bông hồng e lệ của nước Anh, bà có thân hình nhỏ nhắn với cặp chân mày nâu đậm và mái tóc dày hung đỏ. Đặc biệt, bà ăn nói rất lưu loát và cực kì kiên định.

“Một trong những giá trị đáng quý của người Anh là sự nhã nhặn, vì vậy một người tốt sẽ không đi tọc mạch khắp nơi. Do đó một khi phát hiện ai đó có chuyện gì, giới báo chí sẽ cực kì phấn khích và theo đuổi người đó trong nhiều tuần để điều tra đến cùng, rốt cuộc họ sẽ hiểu rõ về người ấy còn hơn anh ta.”

Bà bảo người Mỹ thần tượng hóa các vị lãnh đạo quá mức nên sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi phát hiện ra đời sống cá nhân bê bối của họ. Trong khi đó, người Anh lại thích nhìn thấy các vị anh hùng của mình trải qua thăng trầm khổ nạn và tin rằng luôn có vài vết nhơ sau những hình ảnh sạch bóng như gương mà các vị ấy bộc lộ ra ngoài. Vì vậy, một khi sự thật không xấu như vậy thì họ lại đâm ra thất vọng.

“Nói về người Mỹ, tôi nghĩ họ gây ấn tượng mạnh với chúng ta như những đứa trẻ vô tư: tràn đầy năng lượng, sức sống và tính ngựa non háu đá nhưng thực chất lại không biết đá vào đâu. Người châu Âu thì giống kiểu chững chạc hơn, tinh tế, điềm đạm và hơi vô cảm. Do đó, khi một chính trị gia Anh nào đứng lên hô hào rằng ‘trở về nguồn cội, về với giá trị thật của gia đình thôi nào,’ thì dân chúng sẽ đáp lại rằng, ‘Được thôi, chúng tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến này, nhưng phải xem lại chiều Chủ nhật rồi ông đã làm cái trò gì đã.’”

Khi xếp bên cạnh những câu chuyện mang tính màn bạc của các nữ nghệ sĩ và các ngôi sáo bóng đá thì chuyện vụng trộm của Currie và Major gần gũi với đời thường hơn nhiều. Vào những năm 80 khi cả hai đều nằm trong làn sóng các nghị sĩ trẻ thuộc phe Bảo Thủ đang trỗi dậy tranh giành quyền lực trong Cuộc Cách mạng Thatcher. Cả hai đều thuộc tầng lớp lịch thiệp và cùng chí hướng lật đổ sự thống trị của đám cầm quyền hủ lậu thuộc đảng Bảo Thủ. Currie bảo, “Chúng tôi có nhiều điểm và mục đích chung và kết thân với nhau”, từ đó họ trở thành đồng đảng mưu phản cùng nhau.

Khi họ gặp gỡ trong căn hộ gần Tòa nhà Quốc hội, Major luôn giữ bên mình chiếc phong bì hành chính màu nâu để làm cớ thanh minh nếu bị ai bắt gặp. Lúc Currie than thở về những khó khăn trong con đường chính trị của bà thì chồng bà chỉ biết khuyên bà từ bỏ, nhưng Major thì luôn ủng hộ và cùng bà chiến đấu cùng chiến tuyến. Vì vậy đối với bà “Từ mối quan hệ cực kì khắng khít và bền vững ấy mình sẽ nhận được rất nhiều sự động viên, tình bạn và cả tình yêu nữa.”

Currie cho biết bà kết thúc mối quan hệ này vào năm 1988 khi cả hai đều đạt được vị trí nhất định, Currie trở thành Bộ trưởng Bộ Sức khỏe và Major lên làm Tổng Thư ký Kho bạc quốc gia. Trong nhật ký của mình, bà ca thán rằng chính sự thành công đã làm ông ta thay đổi. “Khoảng thời gian tuyệt vời nhất là lúc ông ta đang chán nản cùng cực, đang trốn tránh bản thân mình và hoàn toàn tuyệt vọng; lúc ấy ông ta kể cho tôi mọi thứ về gia đình, những chuyện trong quá khứ, về chuyện không có việc làm, về chuyện suýt chết trong tai nạn… nói chung là tất cả những điều thầm kín nhất mà bình thường chỉ giữ trong lòng…”

Khi Major được bầu làm Thủ tướng vào năm 1990, Currie mong đợi ông ta sẽ cho bà phục chức Bộ trưởng hoàn toàn vì khả năng của bà chứ không phải vì mối quan hệ tình cảm của họ nhưng ông ta đã không thực hiện điều đó. (“Rất khó để lãng quên một người mình vừa chung chăn gối cách đây mới 18 tháng.”) Sau đó Currie theo dõi cuộc bùng nổ chính trị dẫn tới chiến dịch “Trở về nguồn cội”, lúc đó bà biết rằng “giá trị gia đình” của Major đang bị đe dọa và bà có thể một tay làm sụp đổ cả chính quyền này.

Đó chính là lúc mối quan hệ trên mức tình bạn của Currie và Major chuẩn bị trở thành đề tài nóng bỏng cho giới phóng viên các tờ báo khổ nhỏ trong tương lai, và Currie biết rằng đối với nền văn hóa tình dục của Anh thì một sự biến đổi lớn là khó có thể tránh khỏi. “Tôi biết rằng mình sớm muộn cũng sẽ nói ra mà thôi. Khi dính vào một thứ quan trọng như ngoại tình với một người và người đó trở thành Thủ tướng thì bạn biết rằng nó không phải là thông tin riêng tư của mình nữa. Một lúc nào đó bạn sẽ phơi bày mọi thứ ra ánh sáng.” Currie đợi cho đến khi đảng Bảo Thủ và Major mất quyền lực và bản thân bà cũng chính thức ly dị chồng. Vào năm 2002, tờ Times công bố những trích dẫn trong cuốn nhật ký của bà. Nhờ việc tiết lộ chuyện phòng the này, Currie trở thành nhân vật nổi tiếng. Khi tôi ngồi phỏng vấn bà thì rất nhiều phụ nữ lại gần và bảo “bà thật sự là một nguồn cảm hứng”.

Giống như dân Chicago, người Anh không nhầm lẫn văn hóa tình dục của mình. Văn hóa tình dục được tạo ra bởi các tờ báo lá cải chỉ là phần tố phụ cho cuộc sống thật. Không ai sống dựa vào những quy luật kì quái của nó cả vì họ không phải là những chính trị gia hay những ngôi sao truyền hình thực tế. Giống như Edwina Currie, những người đó cho rằng bất cứ chuyện phòng the nào của họ cũng có thể trở thành đề tài nóng bỏng của xã hội.

Mỹ có cả một diễn đàn dành riêng cho mọi người thảo luận và soi xét về chuyện ngoại tình hằng ngày. Nhưng không giống như ở Anh, diễn đàn ở Mỹ lại hành xử khác với thế hệ trước. Tôi gọi nó là “liên hợp kỹ nghệ hôn nhân.”