CHƯƠNG V: Cái chết của “năm đến bảy”

“‘Chung thủy’, nhưng mà chung thủy với cái gì mới được chứ?” Véronique, nữ giáo viên người Paris hỏi tôi. Cô bảo quyết định chung sống theo chế độ một vợ một chồng với người chồng trước chỉ là một sự lựa chọn mang tính thực dụng. Véronique kể rằng chồng của đồng nghiệp đã bỏ cô ấy để theo tình nhân. Theo phân tích của Véronique, nếu anh ta còn chung sống với cô bạn mình thì anh ta cũng đâu còn hoàn toàn chung thủy vì trái tim đã dâng cho người khác mất rồi. “Sự bội phản đáng quan tâm nhất là: Bạn có trung thành với chính con người của mình hay không?” Véronique nói. Nhiều người bảo tôi rằng “sự chung thủy” có giá trị rất quan trọng nhưng đối với tình yêu nhiều hơn là với tình dục.

Những tri thức hóa thái quá về chuyện ngoại tình này cũng có lúc sụp đổ. Một năm sau lần gặp đầu tiên của chúng tôi, Aurélie đã cặn kẽ kể ra những khuất tất trong lòng mình. Cô kể rằng đang dính vào một vụ bê bối ngoại tình ngày càng rắc rối. Người tình mới nhất của cô, một người đàn ông cô quen biết qua công việc, đang chuẩn bị rời bỏ bạn gái và hai đứa con. Aurélie vui vì điều này nhưng lại rất hoang mang về lũ trẻ và với cả thân phận và vai trò chính thức của mình trong đời sống của người đàn ông ấy. Đã có rất nhiều sự xáo trộn cảm xúc trong cô và cô liên tục lặp lại rằng: “Tôi không còn chắc lắm về chuyện ngoại tình này nữa rồi.”

Dĩ nhiên, vấn đề luân thường đạo lý trong chuyện ngoại tình càng khó nói hơn khi xét kĩ về đời sống riêng tư của ai đó. Tuần báo L’Express miêu tả nó là: “Xã hội thì khoan dung, còn cá nhân lại tự giày vò”. Ngoại tình “thể hiện quyền tự do nhưng cũng sẽ làm cho những nạn nhân phản ứng một cách quyết liệt.” Điều này có nghĩa là, nếu như người nào không ngạc nhiên khi phát hiện bạn đời lừa dối mình thì thật ra bản thân họ vẫn bị tổn thương.

Khi xét về khía cạnh cảm xúc, dù sao người Mỹ và Pháp cũng có nhiều điều khác biệt. Hầu hết người Mỹ khi phát hiện ra chuyện bạn đời của mình vụng trộm, họ đều có xu hướng phục hồi lại tình trạng hôn nhân một vợ một chồng, với người cũ hay với một người mới. Việc điều trị tâm lý hôn nhân, những cuộc trao đổi kéo dài, và ngay cả ly dị đều giúp cho việc phục hồi lại tình trạng một vợ một chồng. Nói tóm lại, người Mỹ không đánh mất niềm tin vào sự chung thủy mặc dù họ từng bị lừa dối.

Ở Pháp thì dù sao đi nữa, “những nạn nhân” bị lừa dối cũng tỏ ra ít mơ mộng hão huyền hơn với những thử thách của mình. Vì chuyện chung thủy chỉ được coi là một ý nghĩ tốt chứ không phải là một sự cần thiết của Chúa, cho nên qua nhiều chuyện xảy ra, họ tự nhủ rằng chung thủy là chuyện bất khả thi. Tuần san Le Nouvel Observateur của Pháp đã trích dẫn lại lời của một chuyên viên săn sóc sắc đẹp ở độ tuổi 40, người đã rời bỏ chồng mình khi phát hiện ông ta tay trong tay với người phụ nữ khác trên phố. Thay vì tìm một người đàn ông chung tình khác như những người phụ nữ Mỹ thường làm trong hoàn cảnh này, thì cô lại đến với một người đã có vợ vì: “Ít nhất khi anh ta lừa dối mình thì tôi biết anh ta đang làm việc đó với người đàn bà nào.”

***

TÔI CÒN ĐƯỢC NGHE KỂ về một “triết gia trẻ tuổi” đang viết luận án về chuyện ngoại tình. Tôi rất hứng thú muốn gặp mặt cô, nhưng những giảng viên khác cảnh báo rằng cô ấy là “một người bảo thủ” và khuyên tôi nên cảnh giác.

Tôi đang trong tâm trạng sẵn sàng gặp một kẻ gàn dở thì Michela Marzano, 35 tuổi, với dáng vẻ xinh xắn nhỏ nhắn bước ra mở cửa. Rồi chúng tôi ngồi xuống nhâm nhi cà phê trong căn hộ bài trí theo phong cách hiện đại, tôi cứ trông chờ một phản ứng mạnh mẽ nhưng nó chẳng xuất hiện. Theo tiêu chuẩn của Mỹ thì Marzano trông có vẻ nghiêm chỉnh đến nhàm chán. Về cơ bản, cô chỉ tranh luận đôi điều về chuyện vợ chồng phải nên chung thủy với nhau trong chuyện chăn gối và sự dối trá của chuyện ngoại tình sẽ làm tổn thương đến quan hệ của họ.

Nhưng hình như đối với ngành sư phạm Pháp, quan điểm này có vẻ sặc mùi tôn giáo, quá gia trưởng và lỗi thời. Nó là điều mà một cá nhân phải tin trong chuyện chung thủy, nhưng theo những gì Marzano gợi ý – như cô viết trong quyển Chung thủy: Tình yêu bên bờ vực thẳm – thì những người khác cũng nên tin vào điều này.

Marzano là người Ý nhưng cô lại viết sách bằng tiếng Pháp và đã có vị trí tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia ở Paris. Bản thân cô hiểu rằng mình đang chống lại điều gì. “Chẳng những ở đây đang tồn tại sự bài trừ đạo giáo mà còn là một kiểu suy đồi đạo đức nữa,” cô than phiền. Giới chức của Pháp không chịu thừa nhận rằng “có nhiều điều giá trị rất quan trọng với con người,” trong đó có sự chung thủy. Cô bảo dân Pháp ở độ tuổi 40 tự cho mình cái quyền được tự do. Nhưng sự tự do này không làm cho họ hạnh phúc, ngay cả chuyện ly hôn. Hãy nhìn xem những người ở độ tuổi 20 họ lãng mạn như thế nào và luôn cảm thấy sự chung thủy thật tuyệt vời biết bao.

Marzano cho rằng con người hạnh phúc hơn khi họ chấp nhận những giới hạn, ngay khi nhữnggiới hạn đó hạn chế thói quen của họ và bắt buộc họ phải hi sinh một số thú vui ngắn hạn khác, ví dụ như quan hệ ngoài hôn nhân. “Điều tôi muốn chứng minh là Don Juan không hề tự do; vì ông ta luôn là nô lệ của những cuộc phiêu lưu tình ái, và không thể nào xây dựng một cuộc sống đích thực,” cô giải thích. “Có lẽ bạn sẽ tự do hơn khi đồng ý tiếp nhận một số ràng buộc nhất định.”

Và nếu như hôn nhân một vợ một chồng cũng không làm bạn hạnh phúc thì sao? “Đúng, theo thực tế, một người thì không bao giờ là đủ cả,” cô bảo. “Nhưng con người đâu phải là thứ để bạn lấp đầy lỗ trống trong lòng mình. Con người đâu phải đồ vật.”

***

TRONG ĐỜI SỐNG Ở PHÁP, ngoại tình chỉ được chú trọng trong giới chính trị. Dĩ nhiên, chuyện một người đàn ông quyền lực có nhân tình không phải là tin tức lớn vì điều này chẳng có gì lạ lùng cả. Trong thực tế, những cử tri còn có chiều hướng nghiêng về những người lãnh đạo có khả năng hấp dẫn phụ nữ hơn. “Các chính trị gia là những người đi kêu gọi người khác, đôi lúc họ cũng phải là những con buôn giỏi nữa,” Franck, một chuyên viên lập trình, bảo với tôi như vậy. Trong một cuốn sách vạch trần sự thật có tên Đời sống tình dục của các chính trị gia có đề cập đến việc đảng viên đảng Xã Hội Lionel Jospin sẽ không bao giờ được thăng chức từ Thủ tướng lên Tổng thống vì ông ta không đủ quyến rũ. Thật ra người Pháp luôn dõi theo các vị lãnh đạo của mình đang ăn nằm với ai. Vào năm 2003, dư luận được dịp xôn xao khi một nhân viên lập pháp của chính phủ bị điều tra vì bị tình nghi đã đứng ra tổ chức những buổi tiệc thác loạn cùng gái mại dâm. Rất nhiều cuốn sách được chấp bút bởi các nhà báo tiếng tăm trong đó miêu tả chi tiết cả đến những lỗi lầm không đáng kể của các chính trị gia và tình nhân của họ như săm soi vào cả những gì họ gọi lên phòng khách sạn, điều này cũng trở thành vấn đề được bàn tán ở Paris. Nhưng người ta quan tâm đến đời sống riêng tư của các chính trị gia chủ yếu là để ngồi tán gẫu hơn là chú tâm vào việc tạo ra những vụ bê bối. Một lời đồn chưa được xác thực là Jacques Chirac có một đứa con người Nhật (mà thật ra còn lý do gì khác để giải thích về hàng tá chuyến công tác của ông đến đất nước ấy?) được nhiều người nhắc lại cho tôi vì họ muốn chứng minh rằng mình cũng là những hiểu chuyện chứ không phải vì phản đối việc làm của ông ta.

Báo chí ở Pháp cũng phải đấu tranh với những điều luật nghiêm ngặt về quyền riêng tư vì vậy họ thường chỉ bắt đầu lên tiếng khi câu chuyện bị đi lệch ra khỏi những tiêu chuẩn được phép của ngoại tình hoặc khi có quá nhiều chi tiết hấp dẫn trong sự việc này mà thôi. Do vậy kết quả hiển nhiên là những câu chuyện được công bố trên truyền thông ở Pháp không phải là những trường hợp thông thường mà luôn chính xác và trau chuốt để có thể làm bất ngờ độc giả Pháp. Chúng không phải là những bài học luân thường đạo đức hoặc không đề cập đến chuyện kiểu như một anh hùng đại chúng đã làm thần dân của mình thất vọng. Vì vậy tuyệt nhiên không có chuyện làm giảm uy tín và khả năng công tác của các chính trị gia. Đối tượng chỉ đơn thuần bị bắt gặp trong tình huống bất thường và xứng đáng bị đưa lên mặt báo.

Câu chuyện của Mitterrand xứng đáng bị đưa lên tuần san Paris-Match không phải vì ông có quan hệ ngoài hôn nhân mà có cả một gia đình ngoài hôn thú. Căn cứ vào các báo cáo sau cái chết của ông thì trong thời kì còn tại vị tổng thống, Mitterrand đã ngủ đêm với nhân tình Anne Pingeot, lúc đó đang là người phụ trách bảo tàng Orsay, cũng nhiều như ngủ với vợ ông. Ông sắp đặt cho Anne và Mazarine ở trong một căn hộ của chính phủ và dùng lực lượng an ninh quốc gia để bảo vệ họ. Vì vậy Pingeot ở đây đóng vai trò là một người vợ lẽ, một chuyện bất bình thường đốivới các vị tổng thống Pháp.

Vào mùa hè năm 2005, truyền thông Pháp lại được một phen nháo nhào lên vì một kịch bản bất thường khác: những vấn đề trong hôn nhân của Nicolas Sarkozy, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ vào lúc đó và sau này lên làm Tổng thống. Mặc dù chuyện xào xáo hôn nhân giữa Sarkozy và Cécilia, vợ ông, không phải là điều kì lạ gì trong giới chính trị gia, nhưng một số tình tiết trong đó lại đáng được đề cập tới.

Nicolas Sarkozy, 55 tuổi, từng là người được Tổng thốngJacques Chirac đỡ đầu. Từ năm 25 tuổi, khi còn là một đảng viên, ông đã biến 5 phút thảo luận ở đại hội trở thành 25 phút hùng biện và nhờ vậy liền được xem là một ngôi sao chính trị đang lên. Đứa con nhập cư với thân hình chắc nịch và mái tóc sẫm màu của Hung-ga-ri, ngài “Sarko” đã lãnh đạo nhiều bộ và không giấu giếm tham vọng trở thành Tổng thống một ngày không xa. Khát vọng và những thái độ rõ ràng ấy đã tạo dựng cho ông một hình tượng chính trị gia “kiểu Mỹ”.