CHƯƠNG VII: Bí mật của chiếc nệm đơn cứng kiểu Nhật
Những gì Midori nói trở nên dễ hiểu hơn khi tôi xem một bộ phim truyền hình dài tập của Hàn Quốc được ưa chuộng nhất trong thời gian tôi viếng thăm Nhật, tên Bản tình ca mùa đông . Khi ngôi sao của bộ phim này vừa đặt chân xuống Sân bay quốc tế Narita ở Tokyo thì anh chàng 31 tuổi với mái tóc nhuộm màu cam ấy bị chìm ngay vào đám đông những người hâm mộ, đa phần là phụ nữ trung niên. Hôm đó đã có 9 phụ nữ đã bị dẫm đạp đến bị thương trước khách sạn của ngôi sao này.
Nội dung của bộ phim xoay quanh một cô gái sắp 30 tuổi chợt gặp lại người tình từ thời còn đi học mà lâu nay cô tưởng anh đã chết. Sự éo le ở đây là: Người tình xưa (tiếng Nhật gọi là “Yon-sama”) đã bị mất trí nhớ và có thể là anh cùng mẹ khác cha với cô gái, còn cô gái thì đã đính hôn với bạn thân cũ của anh chàng này. Nhưng cốt truyện gây xúc động ở chỗ tình cảm của họ vẫn vẹn nguyên sau 10 năm xa cách mặc dù cô ấy tưởng anh đã chết, và giờ đây họ đang có cơ hội được trở về bên nhau. Để truyền tải nội dung này, người diễn viên nào khi ở góc quay gần cũng thể hiện vẻ mặt đau khổ cùng cực như đang bị chứng táo bón. Bộ phim chẳng khác nào một bản tình ca tệ hại.
Bản tình ca mùa đông đã đánh vào tâm lý của một thế hệ phụ nữ lấy những ông chồng thuộc tầng lớp công nhân đã vực lại nền kinh tế cho đất nước sau nhiều thập kỷ chiến tranh. Họ chuyển tới ie của chồng và không dám hỏi gì khi các ông phờ phạc về nhà vào 11 giờ đêm rồi lại đi làm lúc 7 giờ sáng. Có lẽ lúc đi học họ cũng có bồ bịch nhưng rồi sẽ chấp nhận hi sinh tình yêu để kết hôn với những người giàu có hay ít nhất là “môn đăng hộ đối”.
Những mối hôn nhân này không hẳn là “hôn nhân vô dục” vì các cặp vợ chồng không trông đợi vào những cuộc mây mưa nóng bỏng đầy sang tạo. Hầu hết, kết hôn không phải là chuyện lãng mạn gì. Bản tình ca mùa đông làm rúng động lòng người vì dù sao đi nữa phụ nữ ở độ tuổi này vẫn còn mơ mộng đến sự lãng mạn (và cả tình dục), nhưng tất nhiên không phải với chồng mình (các ông này đến khi về hưu thì được gọi là sodai-gomi , hay “đống rác rưởi béo ú vô dụng”). Những người đàn ông trong mơ – như Yon-sama – chẳng những không hay ngồi trên ghế sofa quát tháo vợ mang rượu ra, mà có lẽ không bao giờ ở nhà. Nhưng cũng chẳng sao vì đối với các bà, người tình trong mộng không để sở hữu mà để nhung nhớ khát khao.