CHƯƠNG VII: Bí mật của chiếc nệm đơn cứng kiểu Nhật
Tôi lên một kế hoạch phỏng vấn dày đặc ở Nhật nhằm tiếp xúc với thật nhiều dân thường và trò chuyện cùng các chuyên gia chính phủ cả các nhà xã hội học và giảng sư hàng đầu. Tôi còn hẹn gặp với các luật sư chuyên trách vấn đề ly hôn và các chuyên gia trị liệu tâm lý, ngoài ra còn thuê nhiều trợ lý chuyên về nghiên cứu để thu thập các số liệu và bài viết về chuyện ngoại tình.
Mục tiêu của tôi là tìm đến gốc rễ của bí mật về những chiếc nệm đơn cứng kiểu Nhật bằng mọi giá, không ngoại trừ việc phải xông vào tận phòng ngủ của họ. Vợ chồng Nhật có quan hệ thường xuyên với nhau không? Có khi nào họ không gần gũi nhau không? Hay đúng như tôi nghi ngờ là họ hoàn toàn không quan hệ tình dục với bất cứ ai khác?
***
TÔI ĐỒNG HÀNH cùng một thông dịch viên mới vào nghề tên Maiko với mức phí cao ngất ngưởng là 20 đô-la một giờ và phải bỏ qua chuyện mỗi khi ai đề cập đến chuyện ngoại tình thì cô nàng lại cứ cười khúc khích. Cuộc hẹn đầu tiên của tôi là với một “chuyên gia tư vấn hôn nhân”, cô có văn phòng tại một vùng thơ mộng ven Tokyo, nơi những tán cây rủ mình trên những hàng rào gỗ. Đôi khi tôi còn tưởng tượng từ trong những ngôi nhà nằm rải rác quanh đây, bọn trẻ con chợt nhào ra mở cửa khi bố chúng xách cặp táp trở về nhà và hô to “ Tadaima! ” – ý nghĩa đại loại là “Bố về rồi!”
Khi đến nơi, Maiko và tôi thay dép rồi bước vào một căn phòng sạch sẽ vô trùng để gặp Hiromi Ikeuchi. Cô là một phụ nữ xinh xắn vui vẻ, đang ở độ tuổi 45 với búi tóc phồng gọn ghẽ và viền son môi đỏ thắm. Chỉ trong vài phút cô đã cho biết rằng mình đã ly hôn. Và đây cũng là khẩu hiệu của cô “Tôi thích ly hôn! Tôi yêu ly hôn!” Vậy ra chuyên môn của cô là ly dị chứ không phải hôn nhân. Tờ quảng cáo cô đưa cho chúng tôi trong đó chỉ rõ văn phòng của cô có tên Phòng Thí nghiệm Hôn nhân Tokyo – Khoa Nghiên cứu, thảo nào không gian ở đây gần giống như phòng mổ.
Trên tấm bảng trắng, cô vẽ ra một sơ đồ tương quan giữa các tính cách của vợ chồng và phân chia chúng ra bằng một vạch đỏ. Chồng là người đứng đầu của gia đình ở Nhật, gia đình được gọi là ie (cùng âm với “eBay”). Khi người phụ nữ kết hôn, cô ta phụ thuộc vào ie của người chồng và chuyển thân phận từ “phụ nữ” thành “vợ”. Ikeuchi vẽ thêm nhiều mũi tên màu đỏ chỉ ra con cái sinh ra sẽ thuộc vào phần ie của người bố trong khi người mẹ luôn thuộc về phần bên kia đường vạch đỏ.