CHƯƠNG X: Cuộc cách mạng tình dục

Nền kinh tế phát triển không những cho phép người ta vụng trộm mà còn sản sinh ra cả một nền công nghiệp ngoại tình. Nó hoàn toàn trái ngược với phiên bản của Mỹ và cổ vũ cho chuyện lăng nhăng. Những dịch vụ mai mối thường giới thiệu các doanh nhân nam đến công tác với phụ nữ địa phương. Các nhà tình dục học và những “chuyên gia” mới phát biểu về đạo lý của quan hệ ngoài hôn nhân trên các buổi tọa đàm quốc gia. Những phim truyền hình dài tập cải biên chuyện ngoại tình và đưa ra những kịch bản đạo đức mới. Nhiều thám tử tư qua các văn phòng môi giới như Grand Shanghai Investigation luôn theo dõi từng bước chân của các đối tượng bị tình nghi vụng trộm. (Một thám tử nổi tiếng còn được biết đến với biệt danh “Sát thủ hồ ly”). Rất nhiều công ty môi giới dạng này trở nên thành công đến mức có thể nhượng quyền thương hiệu và mở chi nhánh.

Trung Quốc còn xuất khẩu ngoại tình. Một số đại gia thường gửi nhân tình đi du học ở Úc thay vì ruồng bỏ họ. Báo chí Đài Loan xác nhận quan hệ ngoài hôn nhân là một kiểu “bệnh dịch”, một phần vì có quá nhiều thương gia bản địa nuôi vợ bé từ lục địa ở các thành phố mà họ thường đi công tác. Cuốn sách Chồng tôi là một thương gia Đài Loan làm ăn ở Trung Quốc đại lục , nhằm chỉ cách cho các bà hạn chế chồng mình quan hệ bừa bãi khi các ông đi công tác xa, đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất (mặc dù chính tác giả cũng bị chồng bỏ rơi theo vợ bé). Các bác sĩ Đài Loan công bố tỷ lệ làm phẫu thuật thắt ống dẫn tinh tăng đột biến, có lẽ vì yêu cầu của các bà vợ muốn hạn chế hậu quả chơi bời của chồng mình.

***

TIỀN BẠC ĐÃ SINH RA các cơ hội ngoại tình mới ở Trung Quốc. Nhưng không thể đổ lỗi tất cả cho đồng tiền vì thật ra chính con người đã lợi dụng những cơ hội này. Để có thể làm vậy, xã hội Trung Quốc phải chấp nhận một số lý do biện hộ mới về việc vụng trộm với ai hay lúc nào là có thể thông cảm được. Người ta dùng những lý do này để biện minh cho chuyện ngoại tình của mình với các đồng nghiệp, bạn bè và thậm chí để trấn an bản thân.

Một trong những lý do mới là tình yêu – hay nói rõ hơn là vụng trộm trên danh nghĩa tình yêu thì không đến nỗi nào, và lời bào chữa này khá giống với người phương Tây. Dĩ nhiên người Trung Quốc đã biết yêu từ hàng ngàn năm nay. Nhưng theo nhà xã hội học James Ferrer tìm hiểu thì đến cuối thế kỉ 20, người ta mới dám nghiêm túc nghĩ đến “tình cảm yêu đương”. Vào đầu những năm 80, các tạp chí danh tiếng đăng các bài tranh luận về chuyện con người nên ly hôn để chung sống với nhân tình hay cố gắng duy gì mối hôn nhân không tình yêu. Vấn đề này không bao giờ có thể được nghĩ tới trong vài năm trước đó.