CHƯƠNG X: Cuộc cách mạng tình dục

Một tình yêu “không vụ lợi” sẽ càng được trân trọng hơn trong cái thời buổi mà đồng tiền quyết định tất cả này. Martin tự hào khẳng định lại nhiều lần rằng yi lai của anh chẳng bao giờ đòi hỏi tiền bạc như bà vợ ở nhà. Martin cho biết anh đến với nhân tình rất khiêm tốn ngay từ đầu nên họ có chung “văn hóa”. “Cô ấy nấu cho tôi bữa tối và phục vụ tôi như một vị vua. Sáng thức dậy đã thấy có sẵn tách trà và quần áo được chuẩn bị sẵn sàng. Còn các bà vợ Hong Kong thì đừng hòng có chuyện này.”

Martin xem yi lai của mình như vợ lẽ. Anh quốc thôn tính Hong Kong vào năm 1842 nhưng đến 1971 mới nghiêm cấm chuyện lấy vợ lẽ (chuyện này là hợp pháp từ thời nhà Thanh). Thời xưa vợ lẽ hay tì thiếp thường dành cho các danh môn vọng tộc nhưng giờ đây ngay đến những người đàn ông thuộc tầng lớp lao động như Martin cũng có thể lập phòng nhì song song với gia đình chính thức.

Nhưng yi lai của Martin lại thích xem mình là vợ chính thức hơn. Martin cho biết chỉ có truyền thông và phụ nữ Hong Kong mới dùng từ yi lai . Cô bảo bạn bè rằng Martin vẫn còn độc thân và yêu cầu anh xưng hô với cô là “vợ, chồng” mặc dù chỉ biết ngồi lặng im mỗi khi Martin nói chuyện điện thoại với vợ chính thức. (Thường anh ta bảo với vợ rằng mình đang làm ca đêm). “Nếu tôi gọi cô ấy là yi lai thì cô ấy sẽ nghĩ rằng mình đang bị sỉ nhục. Cô ấy chấp nhận sự thật tôi đã có vợ ở Hong Kong nhưng khi đến Trung Quốc thì hãy đối xử với cô ấy như một người vợ đàng hoàng.”

Khi Martin đến Thẩm Quyến thì cô nàng bám dính lấy anh không cho các cô gái khác có cơ hội. (Giống như những ông chồng thật sự, anh thường đi cùng bạn đến trước giờ hẹn vài tiếng để “giải trí”). Martin khoe khoang rằng anh ta còn cho cô ấy biết cả tên thật của mình, không giống như những người đàn ông khác thường lấy tên giả để có thể tự do biến mất khi mất việc hoặc khi muốn tìm các cô khác trẻ đẹp hơn. Sau bốn năm rưỡi bên nhau, Martin và yi lai của anh đã có một kết thúc lãng mạn: Rốt cuộc cô có đi cưới chồng thì sẽ vẫn “qua lại” với anh.

Nói yi lai chấp nhận theo mình vì tình yêu chân thật chẳng khác nào xem con ở là người nhà. Thử không trả lương xem nó sẽ ở lại làm việc được bao lâu. Farrer và đồng nghiên cứu Sun Zhongxin đã phỏng vấn người Thượng Hải về chuyện ngoại tình thì thấy rằng người ta rất thích dùng “tình yêu” để che đậy cho chủ đích thật sự. Khi phép màu tình yêu tan biến bộ mặt thật của vụ lợi sẽ hiện rõ ra ngay. Sau khi Mimi, 31 tuổi, phát hiện ra nhân tình của mình không có ý định ly dị vợ thì cô ta bắt đầu đòi hỏi tiền bạc. Và cô ngày càng làm to chuyện hơn. Khi vợ của ông ta gọi đến văn phòng làm việc của họ thì Mimi nghe máy. Lúc bà ta bảo: “Tôi là bà Li ở Đài Bắc,” Mimi đáp lại ngay rằng: “Còn tôi là bà Li ở Thượng Hải.”