HỒI KẾT: Gia đình yêu dấu

Cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng như người Mỹ vẫn thường mơ ước. Trong cuốn tiểu thuyết Kẻ thù, một câu chuyện tình yêu của Isaac Bashevis Singer, nhân vật chính là một người Do Thái Phần Lan nhập cư vào Mỹ và anh ta dan díu với ba người phụ nữ cùng một lúc. Dĩ nhiên anh ta không nhận được sự cảm thông nào từ bất cứ ai ở đất nước đã chứa chấp mình cả. “Những luật sư Mỹ đều đưa ra giải pháp đơn giản: ‘Anh yêu ai? Bỏ những người còn lại, chấm dứt chuyện lăng nhăng, tìm công việc ổn định và đi gặp các nhà phân tâm học đi.’”

Mặc dù chuyện phân chia thời gian với cả 3 bà làm anh ta sống dở chết dở nhưng rốt cuộc anh chẳng thể từ bỏ được ai. “‘Thật đáng xấu hổ khi mình muốn có cả 3 người,’anh tự thừa nhận. ‘Tamara ngày càng xinh đẹp, nhu mì và ý nhị. Và cô ấy cũng đã trải qua nhiều khó khăn hơn so với Masha. Ly dị chẳng khác nào đẩy cô ấy vào vòng tay đàn ông khác cả. Vì tình yêu, những tay chuyên nghiệp này luôn thốt ra những lời lẽ có cánh nhằm làm cho người ta không nhìn thấy được sự thật đằng sau.’”

Ngày nay đâu đâu cũng đề cao chế độ một vợ một chồng và thực tế thì người giàu có phương Tây thường không ngoại tình nhiều. Nhưng bên ngoài nước Mỹ, người ta vẫn chấp nhận cho những ai đã kết hôn được quyền thỉnh thoảng say nắng và đôi khi có những hành động vượt quá giới hạn vì cảm xúc của mình. Nhưng cho dù đến mức như vậy họ cũng không hẳn bị phán tội tử hình hay theo lối nói Mỹ là “lừa dối suốt bao nhiêu năm tháng.” Ở bất cứ đâu ngoại tình cũng làm người ta đau đớn nhưng đau tới mức nào thì còn tùy vào hoàn cảnh và mức độ phát triển của nó.

Có lẽ chúng ta nên noi theo gương của người Pháp. Nói chung, khi họ ngoại tình thì họ tự cho phép bản thân mình tận hưởng. Họ lên kế hoạch cho những bữa ăn ngon, khung cảnh lãng mạn và không bao giờ tự giày vò bản thân mình. Và một khi họ đã không muốn mối quan hệ này đi quá xa thì họ luôn luôn làm chủ được nó. Một người Pháp từng kể rằng anh ta bị nhân tình trách mắng vì đã không tuân theo những quy định dành cho nhân tình: Anh ta phải mua quà và ít nhất phải chở cô đi chơi vào một cuối tuần nào đó. Nếu anh ta làm được như vậy thì cô ấy sẽ có thể công khai về họ với mẹ và bạn bè. Chắc chắn thế nào mọi chuyện cũng đổ vỡ nhưng ít nhất anh ta cũng sẽ không bị xã hội đánh giá rằng mình là người đàn ông tồi tệ và không làm ai quá thất vọng và hiểu lầm về tương lai của mối quan hệ này.

Tôi còn rất ngạc nhiên khi một số người Pháp hay một số ít người Nhật không bao giờ chất vấn bạn đời mình về chuyện ngoại tình. Lấy ví dụ một cặp vợ chồng người Pháp nọ, khi chuyện ngoại tình đã chấm dứt, người chồng cảm nhận được rằng người vợ hư hỏng của mình đã phục hồi tình cảm với ông ta và họ lại tiếp tục tự nguyện chung sống với nhau. Dĩ nhiên dư âm của chuyện ngoại tình đôi khi vẫn làm họ lục đục, nhưng không có chuyện gì to tát xảy ra cả. Tôi không nghĩ bản thân mình có thể đối mặt với chuyện vụng trộm một cách bình tĩnh như vậy và nếu được thì tôi sẽ hoàn toàn chấm dứt mọi thứ cho xong.

Ngoài ra còn một chuyện chúng ta có thể học hỏi từ hầu hết các nước khác ngoài Mỹ là: vợ chồng không nên nói rõ mọi thứ trong lòng mình cho đối phương. Vì khi đó chẳng còn chút bí mật nào và chẳng còn gì thú vị trong hôn nhân nữa cả. Chúng ta nên giữ lấy một chút bí mật cho riêng mình hay ít nhất hãy vờ như ta đang che giấu một điều gì đó.

Người Mỹ ngày càng thực tế hơn khi đối diện với chuyện ngoại tình. Một trong những lời khuyên cuối cùng hơi sốc của các chuyên gia là vợ chồng nên thảo luận với nhau về chuyện một ngày nào đó nếu một trong hai người bị người khác quyến rũ thì sao. Họ phải cùng nhau vạch ra một chiến lược đối phó với chuyện này một khi nó không may xảy ra. Các chuyên gia lý luận rằng, chuyện ngoại tình có thể được ngăn chặn khi một trong hai vợ chồng đi làm về có thể thừa nhận rằng mình được một đồng nghiệp rất dễ thương mời đi ăn trưa và chuyện này thật sự làm mình xao xuyến. Bằng cách giải tỏa bí mật này sẽ ngăn ngừa cơ hội cho cám dỗ âm thầm phát triển và làm cho ý nghĩ ngoại tình bớt lôi cuốn hơn.

Tôi không nghĩ rằng các biện pháp lật tẩy chuyện ngoại tình sinh ra từ lliên hợp kỹ nghệ hôn nhân sẽ làm giảm tỷ lệ vụng trộm ở Mỹ. Trong giới hạn của loài người thì chắc không có xã hội nào ngoại tình ít hơn Mỹ vì Mỹ đã thuộc hàng thấp nhất về vụng trộm trên thế giới rồi. Cũng giống như trong kinh tế sẽ có tỷ lệ thất nghiệp nhất định thì giữa các nước cũng có một tỷ lệ ngoại tình thấp nhất nhất định (khoảng 3% đàn ông lăng nhăng trong thời điểm nghiên cứu). Những đất nước có tỷ lệ thấp hơn như Bangladesh hay Kazakhstan thì lại có những vấn nạn khác.

Người Mỹ đặt ra những tiêu chuẩn quá khắt khe cho hôn nhân và sự chung thủy mà chẳng có nước nào khác nghĩ tới. Trong tiểu thuyết Le Divorce (Chuyện Ly Hôn) của Diane Johnson, một người đàn ông Pháp có vợ bảo với cô nhân tình trẻ rằng, ‘Những người thế hệ trước của em luôn hi vọng vào tương lai và trách nhiệm nhằm tạo những thành quả tốt đẹp nhất. Đôi khi trong cuộc sống, hi vọng sẽ biến thành niềm tin. Anh nghĩ họ thường gọi đó là Sức Mạnh của sự Lạc Quan. Nhưng đương nhiên người Pháp chẳng mơ mộng hão huyền rằng mọi việc sẽ luôn diễn ra theo chiều hướng tốt nhất cả.” Còn hầu hết người Mỹ thì vẫn sẽ luôn tin rằng mọi thứ rồi cũng sẽ tốt đẹp.