Phần 4 Giá trị

Nhiều phụ nữ, trong đó có cả tôi, thấy kiểu người đàn ông bụi bặm, hút tẩu, áo len có miếng vải da vá ở khuỷu tay là người rất cuốn hút. Tôi đã từng phải lòng một người đàn ông mà những người phụ nữ khác có thể coi là “người rừng thô kệch” nhưng anh ta là một thiên tài về máy vi tính. Kiến thức của anh ta thật sự khiến tôi ấn tượng, và tôi muốn được học hỏi từ anh ta.

Hỡi các tay săn mồi, hãy nhớ rằng phụ nữ, đặc biệt là trong thế giới ngày nay, thường có xu hướng phải lòng những người có thể giúp họ về sự nghiệp. Kiến thức của bạn có thể là một “liều thuốc kích dục” đối với những người phụ nữ thông minh, tham vọng.

Kỹ năng giao tiếp xã hội hoặc cá tính là tài sản thứ năm giúp bạn có giá trị cao hơn trên thị trường tình ái mở. Những thủ thuật xuyên suốt cuốn sách này đều tập trung giải quyết hai khía cạnh này. Hãy để ý đến tất cả những thủ thuật đó.

Tài sản cuối cùng trong danh sách, nhưng không kém quan trọng nhất, là bản chất của bạn. Có lẽ đây là tài sản quan trọng nhất trong tất cả những tài sản được liệt kê ở danh sách. Hiển nhiên nó là thứ sâu xa nhất. Để khiến ai đó phải lòng bạn, bạn phải luôn có những suy nghĩ yêu thương về họ và về những người khác. Hãy vô tư cho người khác, không mong muốn nhận lại gì. Hãy chung thủy trong quan hệ, có trách nhiệm về tài chính và linh động đối với cá nhân.

Danh sách các đặc tính của “bản chất” còn kéo dài. Có thể bạn không bao giờ nghĩ về chúng bằng những từ này, nhưng chúng đều là những “tài sản” có giá trị khi bạn đem nó vào trong một mối quan hệ. Mọi thứ bạn học, mọi kinh nghiệm bạn đã xử lý, mọi đặc tính tốt đẹp mà bạn phát triển đều là “lợi ích” hữu hình khiến người khác phải lòng bạn.

THỦ THUẬT 55: Tăng giá trị tài sản vô hình của bạn

Để tăng “giá trị thị trường” của bạn, đừng bao giờ ngừng học hỏi, đừng bao giờ ngừng phát triển cá tính và kỹ năng xã hội của bạn, và phải luôn luôn nỗ lực phát triển những tính tốt. Chúng có giá trị như những viên đạn vàng xuyên thủng trái tim con mồi của bạn.

Giúp họ tin rằng họ yêu bạn

Hãy để con mồi của bạn ủng hộ bạn

Yêu ai đó, và được họ yêu lại, là kiểu thưởng phạt đan xen. Chúng ta hạnh phúc khi người chúng ta yêu tặng quà hoặc ủng hộ chúng ta. Và chúng ta cũng nhận được niềm vui tương đương khi làm điều tương tự cho người chúng ta yêu thương.

Nhưng theo Nguyên tắc Công bằng trong tình yêu, ở nơi nào đó trong tiềm thức của bạn có thẻ điểm. Ai làm cho ai nhiều hơn? Tổng có cân bằng không? Không phải là hành động cân bằng kiểu ăn miếng trả miếng, một trả một, hai trả hai. “Miếng ăn” có thể là niềm vui chúng ta nhận được khi làm gì “trả lễ” cho người kia.

Chẳng hạn, hỡi các cô nàng thợ săn, nếu bạn yêu một người đàn ông, bạn thực sự thích lái xe đưa anh ta đi làm khi xe anh ta bị hỏng. Sự cảm kích của anh ta là phần thưởng dành cho bạn. Còn đối với các chàng trai, bạn thích tặng hoa cho người yêu. Nụ cười của cô ấy là phần thưởng của bạn. Chúng ta có bắt buộc phải lái xe đưa anh ta đi làm, hay tặng hoa cho cô ấy không? Câu trả lời là không, chúng ta làm như vậy là vì chúng ta muốn.

Tại sao chúng ta lại muốn? Câu trả lời rất rõ ràng. Chúng ta làm vì chúng ta yêu anh ấy, chúng ta yêu cô ấy. Hoặc chí ít đó cũng là điều chúng ta tự nói với bản thân mình.

Điều này dẫn chúng ta tới một khía cạnh thú vị của trò chơi tình ái. Bạn có thể sử dụng nó để khiến người khác tin rằng họ đang yêu bạn. Các nhà nghiên cứu gọi đó là “học thuyết nhận thức kiên định”. “Nhận thức kiên định nghĩa là con người cố gắng duy trì trạng thái nhất quán của nhận thức về mặt tâm lý. Và khi sự mâu thuẫn xuất hiện, họ sẽ cố gắng khôi phục trạng thái nhất quán”.

Nói cách khác, con người luôn nỗ lực giữ cho hành động phù hợp với niềm tin của mình. Khi họ làm một điều gì đó, họ muốn cảm thấy họ đang làm vì một lý do tốt đẹp, vì họ muốn làm.

Thường thì những người tình nguyện làm việc gì đó vì một nguyên nhân ý nghĩa sẽ xem nhiệm vụ đó có ý nghĩa hơn nếu nó không đem lại lợi ích về tiền bạc. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một người càng nỗ lực làm việc cho một nhóm tình nguyện thì người đó càng đánh giá cao nỗ lực của tổ chức đó. Nếu được nhận khoản đền bù cho công sức họ bỏ ra, họ sẽ chỉ xem nhiệm vụ đó như một công việc họ bắt buộc phải làm mà thôi.

Con người thường tự quan sát hành động của chính mình, sau đó sẽ điều chỉnh, theo bản năng, triết lý và cảm giác của bản thân để phù hợp với những hành động đó. Họ tự nói với bản thân: “Chúa ơi, mình đang nỗ lực làm việc cho nhóm này. Chắc chắn mình phải thực sự tin tưởng mục tiêu của họ”. Đó là cách họ đạt được “nhận thức kiên định”.

Nếu họ tiếp tục làm việc chăm chỉ, nhưng lại không tin vào mục tiêu của tổ chức, họ sẽ tự thừa nhận với bản thân rằng họ là những kẻ ngốc hoặc ngớ ngẩn. Và chẳng có ai muốn như vậy cả.

Trong tình yêu cũng thế.

Nếu bạn thấy mình làm việc gì đó cho ai đó, mà không hề vụ lợi, chẳng mảy may muốn nhận lại cái gì, thì nhiều khả năng bạn sẽ đi đến kết luận là chắc chắn bạn đã thích người đó, vì bạn không thể không làm việc đó vì lợi ích của người đó… vậy là bạn đã đạt được nhận thức kiên định.

Con người không chỉ quan sát người khác. Họ còn quan sát chính bản thân mình. Phần lớn những nhận thức của chúng ta về bản thân, và phần lớn những điều chúng ta tin tưởng đều bắt nguồn từ việc quan sát hành động của chính chúng ta. Do đó, nếu chúng ta làm điều gì đó cho người nào đó mà không hề mong muốn được tặng thưởng cho hành động đó, cái tôi của chúng ta sẽ nói với chúng ta rằng chúng ta đã thực sự yêu người đó.

Nếu bạn thấy mình dậy sớm, lái xe đưa “con mồi” của mình đi dạo, hoặc thấy mình tặng quà cho cô ấy, thì chắc chắn bạn làm điều đó vì bạn đã yêu. Còn lý do gì khác khiến bạn có thể gạt cái tôi của mình sang một bên, và tiêu xài số tiền phải khó nhọc bạn mới kiếm được chứ?

Điều này được dịch thành thủ thuật bên dưới nhằm giúp bạn thúc đẩy nhận thức của con mồi rằng anh ta hoặc cô ta đã yêu bạn.

THỦ THUẬT 56: Hãy để anh ta/cô ta giúp đỡ bạn

Hãy để con mồi của bạn làm gì đó cho bạn và tặng quà cho bạn. Hãy cám ơn họ, nhưng đừng tỏ ra quá biết ơn. Hãy hành động như thể đó là điều hoàn toàn bình thường khi họ nhún nhường vì bạn.

Để khôi phục nhận thức kiên định, họ sẽ thuyết phục bản thân là chắc họ đã thực sự yêu bạn.

Một lời cảnh báo: Đừng quá lạm dụng thủ thuật này. Nếu bạn lạm dụng, nó có thể làm lệch cán cân. Nếu con mồi của bạn cảm thấy anh ta hoặc cô ta đang làm quá nhiều, mối quan hệ này có thể bị lật và chìm nghỉm.

Này! Thế còn “Ôi tình yêu, bài thơ trữ tình/ Vừa đẹp như thiên thần, vừa mong manh như cánh chim…” thì sao?

Bạn có thể sẽ thắc mắc: “Thế kiểu tình yêu trong sáng, thuần khiết và không vị kỷ thì xuất hiện ở đâu? Những cặp đôi nói yêu nhau trọn đời, chỉ có cái chết mới chia lìa được họ… điều đó đúng không?”

Đúng, tất nhiên là chúng ta có thể có được tình yêu tuyệt vời đó. Vào đúng thời điểm. Quả thực vần thơ tình của Robert Burns và những phát hiện cơ bản về tình yêu chỉ mang tính thực dụng, chỉ coi trọng bản thân hoàn toàn không tương thích với nhau. Rất nhiều cặp đôi gắn bó với nhau, hạnh phúc bên nhau và yêu thương nhau cả đời. Nhưng nếu bạn nhìn lên trên đầu họ, bạn sẽ thấy một tấm thẻ ghi điểm rất to trên trời. Có lẽ có sự cân bằng trong mỗi việc, mỗi thứ mà mỗi người bọn họ đưa vào mối quan hệ.

Thông thường, có những giá trị chủ quan mà người ngoài không thể nhìn thấy được. Vào một thời điểm cụ thể nào đó, mối quan hệ đó có vẻ mất cân bằng đối với người lạ. Vì khi hai bên nguyện gắn bó trong một mối quan hệ cả đời, thì sẽ không có chuyện ăn miếng trả miếng hàng ngày, hàng tuần, thậm chí là hàng tháng nữa. Thẻ điểm có thể trở nên mất cân bằng – trong một lúc.

Chẳng hạn, người vợ có thể hỗ trợ người chồng khi anh ta theo học trường y. Cô ấy ở vào thế “trên cơ” trong vài năm. Anh chồng được hời hơn. Nhưng khi anh ta đã lấy được bằng, anh ta có “nhiệm vụ” phải trả tiền cho việc học của vợ, hoặc phải hỗ trợ gia đình để “cân bằng điểm số”.

Thế còn quan hệ có vẻ lệch về một bên trong một khoảng thời gian dài thì sao? Chẳng hạn, người vợ hoặc người chồng yêu dấu tình nguyện chăm sóc người bạn đời đau yếu trong những năm cuối đời.

Thực ra thì, những năm bên nhau đã trở thành một trong những “tài sản” được đem vào mối quan hệ. Họ không nghĩ về điều đó như thế này, nhưng việc chăm sóc người bạn đời cũng là “trả lễ” người họ yêu thương vì những năm tháng hạnh phúc họ đã có được trong mối quan hệ đó.

Một khi hai người yêu nhau đã cam kết, thề nguyền, thì con thuyền vẫn không bị chìm dù nó bị nghiêng về một  phía. Nhưng nó nhất định phải lật về phía bên kia trước khi họ đạt tới trạng thái cân bằng cuối cùng, và họ có thể hi vọng về một cuộc hành trình êm ái. Các cặp đôi có thể chấp nhận chuyện thiên vị người bạn đời của họ trong một khoảng thời gian. Vì người thực sự thông minh sẽ “đền đáp lại” để giữ thăng bằng cho những tài sản trong mối quan hệ của họ.

Tại sao tôi lại dành ra vài trang để viết về triết lý này? Vì chính nhờ nền tảng rắn chắc này (sự Công bằng) mà chúng ta có thể tạo ra rất nhiều thủ thuật khiến người khác đem lòng yêu mình. Quả thực, tất cả những thủ thuật trong cuốn sách này đều được thiết kế để gia tăng giá trị của bạn trong quan hệ yêu đương. Chính vì vậy, hãy vận dụng chúng nhiều hơn, nhanh hơn.