Bức thư thứ 14: VÌ SAO CÓ NGƯỜI DẬY THÌ SỚM, NGƯỜI DẬY THÌ MUỘN?

Từ khóa tìm kiếm: 80 lời bố gửi con trai – Hán Trúc

Con trai của bố:

Bố đã viết khá nhiều thư cho con, chuyện về quy luật phát dục trong tuổi dậy thì đã có vẻ như gần cạn rồi. Nhưng bố lại chợt nhớ một chuyện: cậu anh họ con gặp trong kỳ nghỉ hè vừa rồi, tuy chỉ lớn hơn con 3 tuổi, nhưng đã cao hơn con cả một cái đầu, và cũng đã bắt đầu vỡ giọng… Bố biết, chắc con đang tự hỏi: “Tại sao hai đứa không bước vào tuổi dậy thì cùng lúc nhỉ?”.

Dậy thì cũng giống như gieo hạt vậy, không nhất thiết các hạt đều phải nẩy mầm cùng một lúc, sự sinh trưởng của mỗi một người tự thân đều có thời gian và quy luật riêng. Trước đó bố từng nói đến thời gian bắt đầu tuổi dậy thì của con trai, nhưng nó chỉ là độ tuổi bình quân, có giá trị tham khảo, chứ không phải là “mốc cố định” để ai cũng phải theo như thế. Chính vì thế, chênh nhau 3 tuổi nhưng anh họ con đã bắt đầu bước vào thời kỳ phát dục trong khi con vẫn “án binh bất động” cũng là bình thường, con hoàn toàn không có gì phải lo lắng, sốt ruột.

Đương nhiên cũng có hai hiện tượng không bình thường của sự phát dục, đó là dậy thì sớm và dậy thì muộn.

Thông thường, nếu con trai trước năm 10 tuổi đã phát dục thì có thể gọi là “dậy thì sớm”. Những cậu con trai dậy thì sớm, trình tự của sự phát dục cũng giống như trình tự phát dục thông thường, đồng thời cơ thể cũng phát triển nhanh chóng khiến cho chiều cao tăng mạnh và cơ bắp cũng bắt đầu nổi rõ. Nhưng bộ xương của những anh chàng dậy thì sớm lại sớm “khép” lại khiến cho dù phát dục sớm nhưng thời gian phát dục lại ngắn và cũng sớm ngừng hẳn lại. Ngoài ra, các cậu con trai có hiện tượng như nổi yết hầu, vỡ giọng, cơ bắp phát triển…, các đặc điểm phát dục thứ phát xuất hiện trước tuổi lên 10 và có lần di tinh đầu tiên vào tầm 11 – 12 tuổi, cho dù không có những đặc trưng khác nhưng cũng có thể cho là dậy thì sớm. Vì phát triển sớm hơn và dừng lại sớm hơn nên những cậu con trai dậy thì sớm có chiều cao vượt trội so với các bạn đồng trang lứa vào tuổi dậy thì, nhưng sau khi hết tuổi dậy thì, có phần thấp bé hơn những người kia. Ngoài những điều đó ra thì dậy thì sớm cũng không có ảnh hưởng bất lợi nào đối với con người.

Dậy thì muộn dùng để chỉ sự phát dục đáng lẽ nên xuất hiện trong tuổi dậy thì nhưng lại muộn hoặc chậm hơn so với bình thường. Xét từ góc độ phát dục của giới tính và phát dục của cơ thể, nếu như con trai đến 14 tuổi mà tinh hoàn không có hiện tượng phát dục, 15 vẫn không thấy mọc râu thì có thể coi là dậy thì muộn. Thêm nữa, người bình thường phát dục thứ phát thông thường trong khoảng 4 năm. Những cậu con trai từ khi cơ thể có những đặc trưng phát dục của tuổi dậy thì đến khi các cơ quan sinh dục phát dục hoàn thiện mất đến hơn 5 năm cũng được coi là dậy thì muộn. Về cơ bản dậy thì muộn không ảnh hưởng bất lợi gì lắm đến cơ thể con người. Nhưng nếu vì thế mà nảy sinh tâm lý bất an hoặc nặng nề thì lại có ảnh hưởng xấu đến con người.

Dậy thì sớm hay dậy thì muộn đều không ảnh hưởng xấu đến con người, nhưng vì chúng có mối liên hệ với việc tiết ra nội tiết tố Androgen và hormone giới tính, nên dù là dậy thì sớm hay muộn đều là dấu hiệu cơ quan nào đó có vấn đề. Chẳng hạn như tuyến yên, tuyến thượng thận, tuyến giáp mắc những chứng bệnh bẩm sinh hoặc cấp phát… Vì thế, các con cho dù dậy thì sớm hay muộn cũng đều phải kịp thời thông báo cho người nhà và đến các phòng khám để chẩn trị.

Chào con, hẹn gặp lại con trong lá thư tới!

Bố của con.

CON TRAI LỚN LÊN NHƯ THẾ NÀO

Cuối cùng rồi cũng sẽ có ngày con trai trở thành một người đàn ông thực thụ. Hiểu biết về cơ thể mình, những kiến thức thường thức về sinh lý là hành trang không thể thiếu trong quá trình trưởng thành. Đó cũng là quá trình giúp cho con trai hiểu được cách ứng xử với chính bản thân mình và mọi người, biết đến tình thương và trách nhiệm. Có một số chuyện có thể khá nhạy cảm, nhưng vén màn bí mật, có lẽ là phương pháp giải quyết vấn đề tốt nhất.