Bức thư thứ 30 ĐỐI PHÓ VỚI CÁC DẤU HIỆU TRƯỚC KÌ KINH NGUYỆT

Từ khóa tìm kiếm: 80 lời mẹ gửi con gái – Từ Ninh

Minh Anh thân yêu:

Hôm nay, tâm trạng của con không được tốt phải không? Mẹ nghĩ nguyên nhân là do chuyện con và bạn Diệp cãi nhau ở trường. Mẹ biết trong lòng con đang tự trách mình, cũng đang ân hận lắm, tại sao mấy hôm nay lại dễ nổi cáu và mất khả năng chịu đựng như thế? Mẹ nghĩ có thể là bởi vì con sắp phải đón một kì “nguyệt san” nên chịu sự ảnh hưởng của các dấu hiệu trước kì kinh hay còn gọi là “chứng căng thẳng trước thời kì hành kinh”.

Trước mỗi kì kinh nguyệt, một số hệ thống trong cơ thể sẽ xuất hiện sự mất cân bằng ở các mức độ khác nhau. Dưới tác động của cơ chế này, một số bạn gái đôi khi sẽ có trạng thái về sức khỏe và tinh thần như đang bị ốm, đây gọi là “các dấu hiệu trước kì kinh nguyệt” hay còn gọi là chứng “căng thẳng trước thời kì hành kinh”. Hiện tượng này thường xuất hiện vào khoảng trên dưới 10 ngày sau khi rụng trứng và trước khi hành kinh, nó lên đến cao trào khi gần đến ngày hành kinh và biến mất sau khi kì kinh kết thúc. Các dấu hiệu cụ thể là: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn ọe, tim đập nhanh, toàn thân phù thũng và trọng lương tăng lên (tăng từ 1–2kg), chân tay lạnh, đau nhức, căng tức ngực… cùng với các trạng thái tâm lí như: quá nhạy cảm, bực bội, dễ nổi cáu, lo lắng, sức chú ý suy giảm hoặc có các biểu hiện biến đổi tâm lí như lo lắng, cô độc, dễ khóc, lạnh lùng… Đương nhiên, không phải bất cứ ai cũng gặp phải tất cả các dấu hiệu của “chứng căng thẳng trước kì kinh nguyệt” đã kể trên, thông thường chỉ gặp phải một hoặc vài dấu hiệu, mức độ cũng có sự khác biệt. Các bạn nữ ở độ tuổi dậy thì đặc biệt hay gặp những dấu hiệu này. Thực ra, đây không phải do bản thân kinh nguyệt gây ra, mà là bởi sự không ổn định của việc sản xuất các hormone trong cơ thể. Một mặt, chức năng nội tiết của buồng trứng đang trong quá trình phát triển, mối quan hệ cân bằng giữa vùng dưới đồi, thùy não và buồng trứng vẫn chưa được xây dựng hoàn thiện, hoạt động nội tiết của buồng trứng thường dẫn đến những phản ứng bất thường. Mặt khác, các bạn gái ở tuổi dậy thì vẫn chưa trưởng thành hoàn toàn, cách nhìn nhận vấn đề còn thiếu sự bình tĩnh và kiên nhẫn, dễ bị những vấn đề không như ý trong học tập và cuộc sống gây ra những biến động về tâm lí. Lại cộng thêm các cảm giác khó chịu khi ngày kinh gần kề khiến cho tinh thần rơi vào trạng thái không ổn định, thậm chí là bất thường. Mà sự biến động về tâm trạng lại đẩy mạnh sự co thắt của tử cung, khiến cho lượng máu kinh quá nhiều hoặc kì kinh kéo dài, gây ra một vòng tuần hoàn xấu, gây khó khăn trong việc vượt qua thời gian hành kinh. Do vậy, muốn ngăn ngừa và xoa dịu các dấu hiệu trước mỗi kì kinh, để vượt qua những ngày này một cách dễ dàng, ngoài việc nghỉ ngơi, ăn uống, vệ sinh đã nói đến trên đây, một yếu tố chủ yếu nhất là chúng ta phải biết điều chỉnh cảm xúc.

Trước tiên, vẫn phải nỗ lực khắc phục tâm lí căng thẳng, bình thản đối mặt với sự viếng thăm của “người bạn thân”. Thứ hai, ngay từ trước kì kinh nguyệt cần có ý thức tránh những thứ có thể dẫn đến các phản ứng không có lợi, ví dụ như hạn chế đọc các tiểu thuyết và xem các bộ phim có thể gây biến động tâm lí hoặc hưng phấn, tránh tiếp cận với những người bạn thích tranh luận, hạn chế theo dõi các thông tin, tin tức xấu… Ngoài ra hãy học cách chuyển hướng chú ý, tham gia các hoạt động giải trí thú vị, nghe loại nhạc êm dịu, đọc các tác phẩm văn học hài hước, nhẹ nhàng, để cho tâm trạng nhẹ nhõm, vui vẻ… Có một số người có thể gặp các dấu hiệu khá nghiêm trọng trước kì kinh nguyệt, đến mức ảnh hưởng đến việc học tập và cuộc sống hàng ngày. Nếu như vậy có thể nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ, sử dụng một số loại thuốc có chức năng điều tiết thần kinh như vitamin B1, vitamin B6…

Vì vậy, con nên từ từ học cách kiểm soát tâm trạng, dùng cách thức riêng để thả lỏng tâm lí (ví dụ, có thể thông qua những hoạt động con yêu thích như vẽ tranh, đọc sách). Ngoài ra, ngày mai đừng quên nói xin lỗi với bạn Diệp nhé, chỉ cần con nói rõ nguyên nhân với bạn ấy, mẹ nghĩ bạn Diệp sẽ hiểu cho con thôi…

Mẹ