Bức thư thứ 74: GÁNH VÁC TRÁCH NHIỆM

Từ khóa tìm kiếm: 80 lời bố gửi con trai – Hán Trúc

Con trai của bố:

Trong bức thư này bố muốn nói đến “bốn chữ vàng” đó là “gánh vác trách nhiệm”.

Có tinh thần trách nhiệm, dũng cảm gánh vác trách nhiệm mà mình cần phải gánh vác, đó chính là yêu cầu cơ bản nhất mà mỗi một con người cần phải làm được. Dũng cảm gánh vác trách nhiệm đối với con trai mà nói là một phẩm chất cực kỳ quan trọng, bởi vì cho dù là quá khứ, hiện tại hay tương lai, cho dù xã hội có tiến bộ, thay đổi như thế nào thì con trai luôn luôn là trụ cột trong gia đình và ngoài xã hội. Hơn nữa, tinh thần trách nhiệm còn là một tiêu chuẩn quan trọng để xem xét một người nào đó đã trưởng thành hay chưa, vì thế muốn được người khác thừa nhận và tín nhiệm mình, đó chính là điều kiện không thể thiếu đấy.

Bố còn nhớ đã từng được đọc một câu chuyện: “Một công ty lớn có đợt tuyển dụng. Tổng giám đốc phỏng vấn một cậu thanh niên trẻ, ông cảm thấy cậu thanh niên kia không giỏi như ông mong muốn. Vì thế ông rất khách khí với cậu trai kia. Khi cậu thanh niên đứng dậy, ngón tay không may bị cái đinh lồi lên trên ghế rạch cho một đường. Sau khi xử lý vết thương cậu thanh niên đã hỏi mượn và dùng cái chặn giấy trên bàn đóng cái đinh đó xuống, rồi mới chào và ra về. Chứng kiến chuyện đó, vị tổng giám đốc nói: “tôi biết, nghiệp vụ có thể cậu ấy không phải người giỏi nhất, nhưng tinh thần trách nhiệm của cậu ấy khiến tôi thật sự ngưỡng mộ, tôi rất tin tưởng khi giao công ty này cho những người như thế”.

Có thể thấy, tinh thần trách nhiệm là một phẩm chất vô cùng quan trọng. Tinh thần trách nhiệm của một người phải được thể hiện mọi lúc mọi nơi, từ chuyện to đến chuyện nhỏ, thậm chí nó được bộc lộ ra trong cả những khi không để ý, nó là hành động tự giác ăn sâu vào máu, khắc vào trong xương. Tinh thần trách nhiệm cũng là một tiêu chuẩn để con người ta đối nhân xử thế – người có tinh thần trách nhiệm mãi mãi là người chân thành, cẩn thận và nhiệt huyết với công việc cũng như đối xử với mọi người.

Tinh thần trách nhiệm cũng là một động lực để tiến lên, nếu muốn gánh vác trách nhiệm thì cần phải có một năng lực, khả năng tương ứng, có như vậy mới có thể kiểm soát được sự phát triển và kết quả của sự việc, mới thật sự gánh vác nổi trách nhiệm đó.

Vì thế, ngay từ nhỏ chúng ta đã yêu cầu con phải tự làm những công việc của mình, nếu như đó là việc mà con tự mình đưa ra quyết định thì cho dù có kết quả như thế nào con cũng phải tự mình đối diện với nó. Chúng ta cũng đã nói với con, việc học hành là chuyện của con, không phải là chuyện của bố mẹ, con cần phải tự mình độc lập suy nghĩ, độc lập giải quyết vấn đề. Chúng ta còn yêu cầu con phải gánh vác một phần công việc gia đình, thậm chí còn giúp ba mẹ làm một số việc… Tất cả những cái đó đều là vì muốn con học được cách tự có trách nhiệm đối với những hành vi của mình, mà chỉ khi con có trách nhiệm với những hành vi của mình thì mới có thể có được tinh thần trách nhiệm với gia đình, với tập thể, với xã hội.

Con dần dần trưởng thành, con sẽ có những năng lực lớn hơn, có nhiều cơ hội để học hỏi hơn, và sẽ phải gánh vác những trách nhiệm ngày một nhiều hơn, nặng nề hơn. Phải làm thế nào bố nghĩ chắc con đã hiểu.

Bố của con.

Bức thứ thứ 75: LẠC QUAN TIẾN THỦ

Con trai của bố:

Cho dù dũng cảm kiên cường, cho dù gánh vác trách nhiệm, nhưng không phải chuyện nào cũng thuận buồm xuôi gió theo ý muốn của con người cả đâu con trai nhé. Trong cuộc sống, trong việc học tập, và trong môi trường công việc, trong tương lai còn tồn tại rất nhiều những khó khăn, gian khổ, khúc mắc, trắc trở lớn nhỏ và còn vô số những bất công, bất chính trong cuộc sống nữa nhé con. Chính vì thế, các con cần phải trang bị cho mình một phẩm chất quan trọng – tinh thần lạc quan tiến thủ.

Có một câu chuyện của một bà cụ như sau: “Bà cụ có hai cậu con trai, cậu trai lớn bán ô, còn cậu con trai thứ nhuộm vải. Vì thế, khi trời âm u, bà cụ lo vải của cậu con thứ bị mưa ướt. Còn ngày nắng thì bà cụ lại lo ô của cậu lớn không có ai mua nên suốt ngày bà âu sầu ủ rũ, không biết phải làm sao. Người khác trông thấy vậy liền góp ý: “Bà cụ ơi, bà nên nghĩ thế này: trời mưa thì cậu con lớn của bà sẽ làm ăn tốt, ngày nắng thì vải của cậu con thứ của bà sẽ được phơi đẹp đẽ, bà cụ cứ nghĩ như thế thì sẽ không cần phải suốt ngày âu sầu ủ rũ nữa”. Bà cụ nghĩ rồi lại nghĩ, thấy quả thật đúng như vậy. Từ đó bà sống một cuộc sống vui vẻ.”

Lạc quan khiến người ta nhìn mọi việc tích cực hơn, có lợi hơn. Đồng thời nó còn có tác dụng như một liều “vacxin tâm lý” giúp con người miễn dịch với mọi khó khăn gian khổ, nỗ lực phấn đấu vì thành công ngày sau. Người lạc quan có tinh thần vui vẻ hơn người bi quan rất nhiều.

Những người theo chủ nghĩa lạc quan cho rằng, những sự việc khiến cho người ta vui vẻ, có ích lợi sẽ tồn tại lâu dài mà phổ biến, còn những chuyện bất lợi hoặc không vui vẻ chỉ là tạm thời mà thôi, có thể tìm, phát hiện ra ở đó cả những vấn đề bất lợi và có lợi – “Tái ông mất ngựa – trong họa có phúc” chính là đạo lý đó. Chính vì thế, những người lạc quan sẽ dũng cảm chấp nhận khiêu chiến, vui vẻ được thử sức và tình nguyện gánh vác trách nhiệm của mình, do đó cũng sẽ dễ dàng đạt được thành công. Còn những người theo chủ nghĩa bi quan lại cho rằng, những việc tốt đẹp thường là tạm thời còn những việc xấu mới tồn tại mãi mãi. Một khi vấp phải khó khăn, thất bại, bọn họ thường không trách cứ bản thân mình, mà đi đổ thừa cho người khác, mất đi ý chí tiến thủ, ý chí đấu tranh.

Con còn nhớ cúp bóng chuyền lần trước không, các con bị thất bại, cảm thấy vô cùng buồn bã, thất vọng, đến lần tổ chức cúp năm sau cũng không muốn tham gia, lại còn chỉ trích lẫn nhau, trách cái này, trách cái kia không phát huy đúng phong độ… Thật ra “thắng bại là lẽ thường tình”, câu này các con chắc chắn đều biết. Nếu như thất bại một lần thì cũng không cần phải sốt ruột quá, căng thẳng quá, mà điều quan trọng là phải tổng kết lại, đúc kết lại kinh nghiệm và tìm ra nguyên nhân. Quả nhiên dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên, trong trận thi đấu sau đó các con đã vứt bỏ đi được gánh nặng tâm lý, toàn đội đã cùng nhau cố gắng mà giành được chiến thắng trong hiệp đấu cuối cùng và đã thuận lợi bước vào trận chung kết. Con thấy đó có đúng là một ví dụ điển hình và thực tế không?

Cho nên, các con hãy nhớ lại lần đó, hãy lạc quan, nỗ lực điều đó sẽ có ích vô cùng cho việc học tập và công việc sau này của các con đấy.

Bố của con.