Bức thư thứ 78: TÔN TRỌNG NGƯỜI KHÁC

Từ khóa tìm kiếm: 80 lời bố gửi con trai – Hán Trúc

Con trai của bố:

Hai từ “tôn trọng” này chắc chắn con không cảm thấy xa lạ chứ? Bởi vì một người đang lớn lên như con sẽ vô cùng hy vọng mình được người khác tôn trọng, tôn trọng ý tưởng, suy nghĩ và cách làm của mình, tôn trọng thái độ của mình, tôn trọng những sự lựa chọn và quyết định đó. Như vậy, đổi lại vị trí một chút, con cũng cần phải biết tôn trọng lại người khác – phẩm chất đó cũng vô cùng quan trọng đấy con trai nhé.

Con người ai cũng có lòng tự trọng, nếu như con muốn người khác tôn trọng con thì con nhất định cũng phải tôn trọng người ta. Cho dù cùng đối mặt với một người, cùng một vấn đề, những người khác sẽ có những cách nhìn nhận, đánh giá khách quan không giống nhau, vì họ đứng ở những góc độ, vị trí không giống nhau, lợi ích không giống nhau, tính cách không giống nhau, thái độ đối nhân xử thế không giống nhau nên góc độ suy xét vấn đề đương nhiên sẽ không giống nhau, rút ra những kết luận cũng không giống nhau, lựa chọn những phương pháp giải quyết vấn đề không giống nhau… Vì thế, trên cơ sở không đi ngược lại những quy tắc, làm trái với những chuẩn tắc làm người, phải học cách tôn trọng suy nghĩ, ý kiến của người khác. Một người không biết tôn trọng người khác thì sẽ không thể nhận được sự tôn trọng từ những người đó, việc đó cũng giống như việc con soi gương hàng ngày vậy – khi con cười thì người ở trong gương cũng sẽ cười; khi con cau mày – người ở trong cũng cau mày; con la hét với cái gương, thì người trong gương cũng la hét lại với con. Trong cuộc sống ở phạm vi nhỏ thì là người với người ở cùng nhau, các nhân viên trong cơ quan đoàn thể cùng nhau làm việc, cùng nhau hợp tác, còn ở phạm vi lớn chính là xã hội bình an, quốc gia phồn vinh… tất cả đều cần đến sự tôn trọng, hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau. Nếu chúng ta muốn giành được sự thiện cảm và tôn trọng của mọi người thì điều đầu tiên bắt buộc phải làm chính là tôn trọng họ.

Tôn trọng người khác không chỉ là những biểu hiện ở bên ngoài, mà phải xuất phát từ nội tâm. Vậy thì phải làm sao?

Thứ nhất, cần phải nhận thức được bản thân, hãy đặt mình vào một vị trí thích đáng, hoặc đặt mình vào vị trí của đối phương để suy nghĩ, tìm ra những khuyết điểm mà mình cần phải sửa chữa hoặc tìm ra những ưu điểm của người khác để mình học tập theo.

Thứ hai, tôn trọng người khác cần phải từ những việc nhỏ nhất, lúc nào cũng nghĩ đến những cảm nhận của người khác, không nên gây khó dễ cho người khác. Điều này xét về mặt biểu hiện thì rất đơn giản, nhưng nó thường có thể đem lại sự tôn trọng thật sự của người khác.

Thứ ba, tôn trọng người khác cũng bắt đầu bằng việc lắng nghe. Khi người ta đang phát biểu ý kiến của mình, chúng ta không nên cắt ngang lời của họ cho dù ý kiến của mình không thống nhất với ý kiến của họ, chúng ta cũng cần phải đợi cho họ nói xong rồi mới đến lượt mình nói lên quan điểm, ý tưởng của mình, sau đó mọi người mới cùng nhau bàn luận.

Thứ tư, đó là tôn trọng địa vị, quyền thế và những thứ liên quan đến tiền tài của người ta, cho dù là người già hay trẻ con, hay những bạn bè cùng trang lứa, cho dù là bạn bè chí cốt hay chỉ là người khách qua đường đều phải đối xử giống như nhau, phải tôn trọng họ như nhau.

Thứ năm, tôn trọng còn bao gồm không cho rằng mình là tốt, áp đặt quyền của mình lên người khác, cũng giống như bố mẹ nên trưng cầu ý kiến của con cái về những lớp học ngoại khóa, thầy cô giáo dạy gia sư, luyện tập các môn năng khiếu… của con.

Có câu: “Nhìn thấu đáo việc của người khác thì dễ, nhìn thấu đáo việc của mình mới khó.” Nếu muốn bản thân mình ngày càng tiến bộ thì phải luôn luôn phán xét, sửa đổi bản thân, và không ngừng thực hiện mục tiêu mà mình đã đề ra. Một người biết tự xem xét lại bản thân thường có thể tự phát hiện ra những ưu điểm và khuyết điểm của mình, từ đó mới có thể bù đắp hay sửa đổi, phát huy một cách cao độ tiềm năng của bản thân. Còn người không biết tự xem xét bản thân mình sẽ lần lượt hết lần này đến lần khác phạm phải cùng một lỗi, cùng một sai lầm, không thể phát huy những tiềm năng của mình một cách tốt nhất. Hơn nữa, tự mình xem xét lại bản thân còn giúp cho các con biết tôn trọng người khác hơn, học được cách chấp nhận và tiếp thu những quan điểm và phê bình khác nhau, và cũng từ đó học được cách biểu đạt cho mình, thuyết phục được người khác, tổng kết, đúc rút những kinh nghiệm quý báu, giúp cho mình ngày càng trưởng thành và giỏi giang hơn.

Làm được những điều đó là con đã có thể trở thành một người vừa biết quan sát vừa biết thông cảm, biết cảm nhận được niềm vui nỗi buồn của người khác, đã trở thành một người biết tôn trọng người khác, một người cao thượng, đồng thời con cũng có thể nhận được sự tôn trọng và tín nhiệm từ người khác rồi đấy con trai của bố ạ.

Bố của con.