CHƯƠNG I: Chào mừng quý vị đến với nước Mỹ

Những nhà khai quốc cổ vũ cho hôn nhân với mong muốn thiết lập nước Mỹ thành một xã hội trật tự và hành xử đúng đắn. Họ nghĩ rằng các bà vợ sẽ kiềm hãm được những tính cách bốc đồng ương bướng của chồng mình, và ngược lại, các đức ông chồng sẽ dùng quyền lực tối thượng để giữ cho vợ mình sống đúng theo lề lối đạo đức. Những triết gia chính trị tiếng tăm ngày ấy cho rằng hôn nhân sẽ khích lệ mỗi cá nhân sống hết mình vì lợi ích cộng đồng. Ý kiến này được các tạp chí nổi tiếng đăng tải với vô số bài viết ca ngợi về lợi ích của tình yêu chung thủy lứa đôi. Còn gia đình của tổng thống được lấy ra làm nguyên mẫu cho nhân dân nước Mỹ noi theo.

Những nhà làm luật từ thuở ban sơ cũng không để cho mọi chuyện xảy ra một cách ngẫu nhiên. Nếu như người Mỹ nào không muốn kết hôn thì sẽ không được quan hệ tình dục. Chính phủ ban hành đạo luật hôn nhân và nghiêm cấm mọi hình thức quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, kể cả thông dâm, quan hệ với súc vật/quan hệ qua đường hậu môn và cả ngoại tình. Những tội trạng như “tội thông dâm” (quan hệ với vợ/chồng của người khác), “tội dụ dỗ” (lôi kéo vợ bỏ chồng), và “đánh cắp tình cảm” (cướp mất tình yêu của vợ/chồng người khác) đều bị trừng trị. Những tội trạng này đều gây bất lợi cho người chồng, vì theo luật thì cơ thể người vợ đương nhiên thuộc về chồng mình. Khi tình trạng quan hệ ngoài hôn nhân vẫn xảy ra, vào thế kỷ 19, hầu hết các bang đều nghiêm cấm các hoạt động phá thai và chính quyền liên bang còn không cho phép gửi các tài liệu “vô đạo đức” hay nói rõ hơn là bao gồm thông tin nhằm khống chế việc sinh nở, Cott đã ghi chép lại như vậy.

Vào đầu thế kỷ 20, rất nhiều người Mỹ đã chán ngấy điệu bộ giả vờ đoan trang kiểu cách từ thời hoàng hậu Victoria. Việc khống chế sinh nở bắt đầu được thực thi ở nhiều nơi, phụ nữ châu Âu đa số đều ủng hộ công khai, và triết học Freud giải thích hiện tượng này xảy ra do nhu cầu tình dục của con người thúc đẩy. Bắt đầu từ đấy, phụ nữ không còn rụt rè lãnh cảm nữa, họ đều cho rằng hạnh phúc hôn nhân phải đi kèm với việc được thỏa mãn về tình dục.

Tòa án, đồng thời là tổ chức bảo vệ lợi ích quốc gia, bắt đầu lo ngại về những quan điểm buông thả này. Vài tiểu bang nâng tầm nghiêm trọng của việc ngoại tình thành tội trạng với hình phạt tối đa lên đến 5 năm tù giam, và hơn thế nữa tội này được chính thức đưa vào khởi tố theo bộ luật Dân sự. Mặc dù vậy họ cũng không thể chống lại xu hướng của xã hội. Phụ nữ được quyền bầu cử vào năm 1920 và hầu hết mọi đạo luật liên quan đến việc người vợ là tài sản của chồng đều bị bãi bỏ.

Theo thời gian, chính quyền Mỹ ngày càng nới lỏng sự can thiệp vào đời sống riêng tư. Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ được phép lưu hành thuốc ngừa thai vào năm 1960. Tòa án tối cao bãi bỏ điều luật cấm phá thai ở các tiểu bang vào năm 1973. Và có lẽ bước quan trọng nhất xảy ra trong thời điểm từ năm 1969 đến giữa những năm 80 là việc các tiểu bang bắt đầu áp dụng một số hình thức thuận tình ly hôn. Điều này có nghĩa là con người có quyền hủy bỏ hôn nhân của mình nếu cảm thấy không hạnh phúc. Càng ngày càng nhiều phụ nữ kiếm được tiền và có đủ khả năng để tống khứ những ông chồng thích mèo mỡ ra khỏi đời mình mà trong quá khứ có lẽ họ đã phải cắn răng chấp nhận. Từ đó, tỉ lệ ly dị trên toàn nước Mỹ tăng mạnh từ 2,6/1000 người (năm 1967) lên đến 5,3/1000 người (năm 1979), nhưng sau đó thì bắt đầu thuyên giảm. Quyết định có con hay không và vào lúc nào; cả chuyện có ly dị hay không đều tùy thuộc vào cá nhân, còn chính quyền gần như không can dự vào nữa.

Khi con người được quyền kiểm soát về việc sinh nở và hôn nhân nhiều hơn thì ngoại tình lại trở thành một biểu tượng giá trị mới. Quan hệ ngoài hôn nhân không còn là yếu tố ảnh hưởng đến số phận của quốc gia như trước nữa mà trực tiếp ảnh hưởng vào đời sống của cá nhân và gia đình. Nhưng không phải vì vậy mà người Mỹ không còn để ý đến nó – ngược lại, họ càng trở nên khắt khe hơn. Càng ngày họ càng cho rằng nó là cánh cửa tội ác, mở ra cho bao nhiêu hiểm họa khác. Nhưng trong cái nhìn mới, những hiểm họa này không còn tác động đến nền chính trị mà sẽ ập lên gia đình và cuộc sống của kẻ ngoại tình. Kết quả là chuyện ngoại tình dần được đưa vào bóng tối. Hầu hết các luật lệ áp dụng lên tội ngoại tình ở các tiểu bang đều bị bãi bỏ, những gì còn lại chỉ mang tính di tích văn hóa mà thôi.

Ý kiến cho rằng việc lừa dối bạn đời sẽ dẫn đến hố sâu bi kịch cho cuộc đời mình đã trở thành mô-tuýp quen thuộc trong các tác phẩm điện ảnh của Hollywood. Còn trong những vở kịch, khi nhân vật chính ngoại tình, thì theo luật bất thành văn một người nào đó sẽ phải chết (không hẳn phải là kẻ ngoại tình) để lại sự sám hối tột cùng cho kẻ gây ra hành động lừa dối ấy và đồng thời cũng đại diện cho ác quỷ được tạo ra từ việc ngoại tình. Một tác phẩm tiêu biểu là “Không chung thủy” (2002) được làm lại từ phim truyện Pháp về một người phụ nữ ở ngoại ô chìm vào cuộc tình say đắm với người đàn ông cô tình cờ gặp trên đường (sự thật thì cô ấy là nhân vật chính nên thật ra cô ta không muốn bản thân mình ngoại tình chút nào). Trong một cảnh phim, có vẻ được thêm vào để thu hút khán giả Mỹ, bạn bè của cô bàn tán về người đàn ông quyến rũ đang ngồi ở quầy bar bên cạnh mà không hề hay biết là ông ta đã ngủ với cô nàng này rồi. Một trong số họ bông đùa rằng cô sẽ “gật đầu ngay tắp lự” nếu như ông ta thích mình và việc ngủ nghê sẽ trở thành một trò tiêu khiển, chẳng khác chuyện tham gia lớp học làm gốm là mấy.

Nhưng một người bạn khác lại cảnh báo rằng chuyện ngoại tình không hề đơn giản như vậy. “Không đâu, mọi thứ ban đầu lúc nào cũng dễ dàng như vậy cả. Nhưng rồi sẽ có chuyện xảy ra thôi, một ai đó sẽ phát hiện ra sự việc hoặc một trong hai người sẽ nảy sinh tình yêu thật sự, và rồi bao giờ cũng sẽ kết thúc tồi tệ cho mà xem.”

Ngay sau đó, chồng của vai nữ chính, một người cha – một doanh nhân mẫu mực, phát hiện ra chuyện vụng trộm và ra tay sát hại tên tình nhân người Pháp ấy. Sau sự việc, vợ chồng họ giảng hòa với nhau nhưng luôn phải sống trong sự lo âu thấp thỏm bị kết tội sát nhân hoặc bị nỗi ám ảnh giày vò thôi thúc họ đi tự thú. Dù trong trường hợp nào thì chuyện ngoại tình này cũng đã mãi mãi phá nát cuộc sống vốn dĩ yên bình trước đây của họ.

Tại những phòng chat (chat room) trên Internet, tôi thấy họ cũng hay đưa lên những thông điệp tương tự. Có một phụ nữ nọ đăng lên rằng cô ta có cảm tình với một người đàn ông đã có gia đình và có thể sẽ ngủ với anh ấy; ngay sau đó tâm sự này bị dội hàng loạt phản đối – có vẻ từ những người cũng có kinh nghiệm ngoại tình – họ cảnh báo rằng cuộc vui chóng vánh này sẽ phá nát cuộc đời cô ta.

“Bạn đã chuẩn bị đầy đủ cho cuộc sống song tình này chưa? Bạn đã cân nhắc kĩ chưa? Hãy tưởng tượng cuộc sống của bạn ra sao trong 1, 2, 5, hay 10 năm nữa. Cuộc phiêu lưu tình ái này sẽ ảnh hưởng đến SUỐT ĐỜI bạn đấy. Chưa kể đến chuyện biện minh, bạn phải đối mặt với chính bản thân mình… Ngay cả đối với kẻ thù đáng ghét nhất của mình, tôi cũng không cầu mong hắn lâm vào tình cảnh đó đâu.” Một người khác viết rằng “Tôi thật sự mong bạn cắt đứt mọi liên hệ với anh chàng này để bản thân và gia đình bạn không phải sống nhiều năm sau trong địa ngục.”

Năm 1998, dân Mỹ được chứng kiến một kịch bản về ngoại tình trên diễn đàn có thể nói là công khai nhất từ trước đến nay: nghi án vụng trộm của tổng thống Bill Clinton. Phe đối lập Đảng Cộng Hòa của Clinton cẩn thận phát biểu rằng họ không định quy ông vào tội hẹn hò ngoài hôn thú với cô thư ký thực tập 22 tuổi Monica Lewinsky tại Nhà Trắng. Tội trạng thực sự họ muốn quy kết vào ông là sự suy đồi đạo đức “nói dối” và tội này cũng liên hệ mật thiết với tội quan hệ ngoài giá thú ở Mỹ. Để kết tội, những người điều tra đã lập nên “Báo cáo Starr” dày 445 trang, trong đó miêu tả rõ ràng mười lần vụng trộm tình ái của Clinton và Lewinsky, từ lần đầu ông ta trò chuyện với cô ấy sau giờ làm việc của chính phủ vào năm 1995 đến cuộc gặp gỡ của họ tại “tiền sảnh không cửa sổ ngoài phòng sách” của Phòng Bầu dục.

Những nhân vật và diễn tiến của “Báo cáo Starr” hoàn toàn dựa theo kịch bản ngoại tình thường thấy ở Mỹ. Lewinsky là người đàn bà mang tham vọng thay thế vị trí của người vợ chính thức, còn Clinton là người chồng luôn vun vén thêm cho khát vọng ấy hòng dụ dỗ cô ta lên giường với mình. Trong báo cáo có miêu tả lại rằng “Có lần tổng thống Clinton rào trước đón sau với cô Lewinsky rằng ông ta không biết mình có ly dị sau khi rời khỏi Nhà Trắng hay không nữa. Ông đã nói lấp lửng thế này, “[Ai] mà biết chuyện gì sẽ xảy ra bốn năm sau nữa khi tôi không còn làm việc ở văn phòng này cơ chứ?”

Báo cáo Starr miêu tả lại sự thất vọng quen thuộc của nhân vật nữ. Một người bạn của Lewinsky thuật lại rằng, “Nếu [Lewinsky] muốn nói dối tôi thì hẳn cô ấy sẽ bảo rằng, ‘Ồ, ông ấy lúc nào cũng gọi điện thoại và dành cho tớ bao điều tuyệt diệu. Lúc nào cũng muốn gặp tớ cả’… Lẽ ra cô ấy phải thêm mắm thêm muối vào câu chuyện như vậy chứ không phải than thở rằng, ‘Ông ấy bảo sẽ gọi tớ nhưng tớ ở nhà đợi hết cuối tuần không làm gì nhưng có thấy tăm hơi ổng đâu, mà đã hai tuần không gọi rồi.’”