CHƯƠNG I: Chào mừng quý vị đến với nước Mỹ

Sau “tuyên ngôn” ấy, chuyện dối lừa vẫn xảy ra khá nhiều giữa những cặp đôi yêu nhau (tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với khi đã kết hôn). Mỗi bên tự ấn định số lượng người mình hẹn hò trong một hay hai thập kỉ. Đến khi hai người chịu dừng chân lại để tiến đến hôn nhân có thể xem là lúc họ đã cán mức cuối cùng của cuộc đua tình ái. Nhưng nói đến sự chung thủy thì lại có những luật lệ khác. Mặc dù chúng ta cắn răng chấp nhận sự dối lừa trongsuốt thời gian yêu đương, nhưng ai cũng trông chờ sự chung thủy của đối phương khi đã trở thành bạn đời của mình. Phụ nữ thường cho rằng, “’Nếu như anh ấy thật tình yêu tôi thì sẽ không màng hướng ánh mắt thèm thuồng đến một thân thể hay một bộ ngực nào khác cả. Mỗi khi có ông chồng nào dám để mắt đến một người phụ nữ khác trong nhà hàng, vợ anh ta sẽ lập tức nhặng xị lên ngay.” Diane Sollee, người đứng đầu của một công ty tổ chức hôn lễ chuyên nghiệp ở Washington D.C. tâm sự, “Ở Mỹ, chúng tôi sống quá lãng mạn, vì vậy mọi tội lỗi xâm phạm đến hôn nhân là lý do phổ biến nhất dẫn tới ly hôn.”

Tại sao bị lên án là tội lỗi và đề phòng cẩn thận như vậy mà những người Mỹ đã kết hôn vẫn ngoại tình được? Câu trả lời đơn giản là có một nhóm nguyên tắc khác nữa. Nhóm nguyên tắc chính thống luôn khẳng định rằng ngoại tình là hoàn toàn sai trái. Nhưng đó chỉ là những câu cửa miệng khi phản hồi lại cho những người thăm dò ý kiến mà thôi. Đến khi người ta ngoại tình thì họ lại đi theo một nhóm nguyên tắc khác: nhóm nguyên tắc không chính thức. Thực ra mà nói, như nhà xã hội học James Farrer từng chỉ ra rằng mỗi nền văn hóa sẽ đồng tình với một số hoàn cảnh nhất định dẫn đến sự không chung thủy.

Ở Mỹ, một cuộc hôn nhân hoàn chỉnh không chỉ là hữu danh vô thực mà còn có những ràng buộc nhất định. Một giám đốc đầu tư ở New Jersey, người đang dự định ly dị cô vợ thứ hai ngọt ngào nhưng nhàm chán để chạy theo người tình mới, nhìn tôi bằng ánh mắt ngây thơ vô số tội và vô tư giải thích, “tôi cần hạnh phúc thật sự.” Mưu cầu hạnh phúc hay mưu cầu tình yêu chân thật là một trong những câu chuyện hay được người Mỹ sử dụng để biện minh cho việc ngoại tình và đồng thời cũng để vượt qua sự cắn rứt lương tâm vì đã vụng trộm.

Để làm người không chung thủy, bạn không những phải biết dựng chuyện mà còn phải hoàn toàn nhập vai làm cho câu chuyện được kể thật sống động. Có thật là đàn ông và phụ nữ được phép là bạn bè và có thời gian riêng tư cho mình hay không? Có phải lúc nào vợ chồng cũng phải ở bên nhau trong mọi lúc rảnh rỗi? Có dễ tìm cô trông trẻ hay không? Nhà cửa phải rộng bao nhiêu thì đủ? Khi tôi ở Moscow, một nhà tâm lý học gia đình cho tôi biết rằng rất nhiều người Nga sống trong một căn hộ có hai phòng, một phòng dành cho cha mẹ, phòng còn lại thì cho vợ chồng sống cùng lũ trẻ. “Vậy bạn có thể tưởng tượng họ phải làm tình ra sao rồi… Trong hoàn cảnh này thì thà ra ngoài vụng trộm còn hơn lúc nào cũng phải cãi cọ với cha mẹ,” ông bảo.

Những nhà trị liệu Mỹ lại miêu tả một vấn đề khác – một sự thật là khi việc vụng trộm bị phanh phui cũng là thời điểm hôn nhân đi đến hồi kết. Hệ lụy thường xảy ra nhất mà sự vụng trộm gây ra là sự giày vò làm lu mờ mọi thứ khác trong cuộc sống.

Nhiều người chẳng thể nào rút chân ra khỏi tình cảnh này. Hai mươi lăm năm về trước, Neil nhận được điện thoại báo rằng vợ ông đang nằm viện. Cô bị ông chủ đánh đập, và dường như đó là hậu quả của một cuộc cãi vã xảy ra giữa đôi tình nhân. Lúc ấy Neil đang ngấp nghé bốn mươi và là phó giám đốc của một tổ chức phi lợi nhuận ở Baltimore, sự việc này đã dấy lên trong lòng ông ta đầy hoài nghi về mối quan hệ giữa họ. Từ đó, những cố gắng không ngừng nghỉ hòng tìm ra sự thật cuốn ông ta vào “cơn mê kinh hoàng” đến tận ngày nay.

Khi tôi gặp Neil tại tiền sảnh một nhà thờ ngoại ô ở Memphis, lúc đó ông sáu mươi bốn tuổi. Ông có dáng người cao ráo, lịch thiệp và khuôn mặt hình chữ điền. Ông thích bóng rổ và thường chơi với lũ cháu của mình. Nhưng khi kể lại chi tiết của chuyện ngoại tình này, có vẻ như sự tự tin của ông tàn lụi và những nét thanh lịch quý phái kia cũng vụn vỡ đi đâu mất. Nhìn ông ta lúc này chẳng khác khi Ward Cleaver[2] buông xuôi cho số mệnh là mấy.

“Không có một ngày nào – nghe tôi kể này – không có một ngày nào trôi qua mà tôi không nghĩ ngợi liên tục về chuyện này cả. Điều tôi nói đến ở đây không phải chỉ là suy nghĩ vu vơ rồi lại chăm chú làm việc khác đâu nhé. Không hề. Nó cứ như vết thương không lành làm lòng mình nhức nhối mãi vậy đó. Chẳng thể nào quên được.”

Neil là một người thông minh, ông đã bỏ qua nhiều nỗi đau khác và những chuyện nhỏ không đáng trong cuộc sống. Ông không ngờ rằng vết thương lòng gây ra bởi việc vợ ông ngoại tình lại tồn tại lâu đến vậy. Chính tôi cũng cảm thấy lạ. Dĩ nhiên, phát hiện bạn đời của mình vụng trộm thì ai mà không đau đớn, cảm thấy bị sỉ nhục và còn sợ hãi nữa chứ. Khi tôi tâm sự với nhiều người trên khắp nước Mỹ thì họ đều cố truyền tải một thông điệp không khác gì Neil, rằng họ không chỉ đơn giản là đau buồn và tổn thương như vậy. Họ hoàn toàn mất niềm tin vào cuộc sống xung quanh. Một “nạn nhân bị lừa dối” giải thích “Nó cướp đi quá khứ, tôi không còn là chính tôi nữa. Bây giờ tôi chẳng biết cái nào là thật, cái nào là giả nữa.”

Hiệp hội Trị liệu Tâm lý cho Hôn nhân và Gia đình của Mỹ cảnh báo rằng “Phản ứng của một người chồng/vợ bị lừa dối sẽ giống như triệu chứng tiền căng thẳng, trầm uất mà những nạn nhân vừa trải qua tại nạn thảm khốc gặp phải.” Mọi người đều cố gắng miêu tả sự tuyệt vọng và tâm trạng như rơi vào vực thẳm của mình bằng tất cả những phép ẩn dụ nào mà họ có thể tưởng tượng ra. Một phụ nữ ngoài bốn mươi tuổi sống ở Seattle bảo rằng “cảm giác của nó chẳng khác nào thảm họa 11/9, từng tầng của tòa nhà lần lượt sụp đổ.” Một người khác viết trên trang web tâm sự giữa những người bị lừa dối rằng việc cô ta phát hiện chồng mình vụng trộm chẳng khác nào cơn đại hồng thủy cuốn trôi một phần tư triệu người vào năm 2004 ở châu Á.

Jo Ann Lederman, một nhà trị liệu tâm lý tình cảm hôn nhân ở Miami viết trong chuyên mục trên báo mà cô phụ trách: “Rất nhiều phụ nữ tỏ ra mất tự chủ vì họ tin rằng mình đã hóa điên. Trong thời kì này, sẽ xuất hiện những thay đổi nhất định trong hệ thống thần kinh và khả năng nhận thức.” Lederman còn kể lại lời của một bệnh nhân rằng “Cảm giác này còn đau hơn khi mất con nữa. Mặc dù tôi biết rằng bác sĩ đã làm hết sức mình. Nhưng tôi vẫn không thể nào nghĩ được rằng chồng mình, người bạn đời thân thiết nhất của mình, lại chính là nguyên nhân gây ra nỗi đau đớn và giày vò này cả.”

***

HÔN NHÂN MỘT VỢ MỘT CHỒNG đã nằm trong máu của người Mỹ. Những người thuộc Thanh Giáo, tồn tại ở thuộc địa của Mỹ vào thế kỉ 17, nổi tiếng về hình phạt đánh đập giữa công chúng hay đôi khi là xử tội chết dành cho những kẻ ngoại tình. Thậm chí họ còn bị bắt thêu lên những bộ quần áo nổi bật nhất của mình chữ hoa A (hoặc AD)[3] để luôn bị nhận biết; nhưng không cần đến mức phân biệt màu của chữ cái đó như yêu cầu hà khắc của các quan tòa ở Hester Prynne trong cuốn tiểu thuyết The Scarlet Letter (tựa tiếng Việt: Chữ A màu đỏ – ND) của nhà văn Nathaniel Hawthorne. Những người thuộc Thanh Giáo lại theo định nghĩa trong Kinh Thánh, và như vậy ngoại tình chỉ cấu thành giữa những người phụ nữ đã đính ước hoặc đã có gia đình và người tình của họ. Còn những người đàn ông lầm lỡ thì chỉ mang tội nhẹ hơn là “thông dâm” (chỉ việc hai người chưa có gia đình quan hệ tình dục với nhau).

Vào thế kỉ 18, khi tình hình giữa nước Anh và thuộc địa Mỹ của nó trở nên căng thẳng, nước Anh bèn biện hộ cho sự đô hộ của mình rằng quan hệ giữa hai dân tộc như bố mẹ và con cái. Nhưng lý thuyết này đã dấy lên một làn sóng phản đối từ những người thực dân, họ muốn có mối quan hệ tự nguyện bình đẳng với Anh như giữa vợ và chồng.

Đến khi Mỹ giành được độc lập, những nhà cầm quyền lại mượn mô hình hôn nhân như một ẩn dụ lên hình thức tự cai trị của nền cộng hòa mới. Nhà sử học Nancy Cott của đại học Harvard đã miêu tả điều này rất rõ nét trong cuốn sách Những lời tuyên thệ công khai: Lịch sử của hôn nhân và đất nước của mình. Bà viết rằng: đối với những nhà khai quốc của Mỹ, hôn nhân là biểu tượng cho tự do chính trị. Trong cả hai lĩnh vực, mỗi bên đều tự nguyện thực hiện trách nhiệm của mình với bên kia và hai bên cùng hưởng lợi từ mối quan hệ đó. Dĩ nhiên, trong suy nghĩ của những nhà khai quốc ấy, không phải kiểu hôn nhân nào cũng chấp nhận được. Duy chỉ có hình thức hôn nhân của đạo Cơ Đốc: một vợ một chồng, sống với nhau đến răng long tóc bạc mới được thừa nhận mà thôi.

Hôn nhân không chỉ đơn thuần là một phép ẩn dụ. Những nhà khai quốc còn tin rằng chỉ những người đã lập gia đình mới có thể trở thành những công dân tốt. Cách cư xử của những cá nhân không mang tầm ảnh hưởng quan trọng trong suốt thời kì còn là thuộc địa vì vua chúa được toàn quyền hành xử. Nhưng dưới chế độ dân chủ thì dù sao đi nữa, lựa chọn của nhân dân nước Mỹ vẫn là cơ sở định hình đặc tính của đất nước. Từ đó, sức mạnh và sự tồn vong của quốc gia sẽ tùy thuộc vào tình trạng tinh thần của người dân. Theo lý thuyết, nếu như dân chúng là những kẻ thối nát và suy đồi về đạo đức thì họ chắc chắn sẽ bầu một con người có tính cách tương tự để làm lãnh đạo.